Không thể xem nhẹ văn hóa nơi làm việc
(BDO) Trong các nguyên nhân bị tai nạn thương tích của người lao động (NLĐ) tại nơi làm việc hiện nay, vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm là sự gia tăng bạo lực trong lực lượng công nhân, NLĐ. Theo số lượng thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh, trung bình mỗi năm tỉnh có hơn 2.000 trường hợp công nhân, NLĐ bị bạo lực, trong đó có nhiều trường hợp tử vong. Mặc dù các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích nhưng số trường hợp bạo lực tại nơi làm việc vẫn tăng cao qua các năm và đang ngày càng phổ biến hơn, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho NLĐ .
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực tại nơi làm việc là từ bất bình đẳng trong phân công công việc. Bởi trong cùng một công đoạn nhưng sẽ có những vị trí việc nhẹ, lương cao, người quản lý không có cách thuyết phục, phân công hợp lý sẽ dễ làm nảy sinh mâu thuẫn bạo lực. Áp lực công việc căng thẳng, môi trường làm việc, điều kiện lao động không tốt, khó khăn về kinh tế, đồng thời các ý kiến không được tôn trọng là nguyên nhân gây bạo lực tại nơi làm việc. Bạo lực tại nơi làm việc có thể được thể hiện bằng việc đe dọa bằng lời nói hoặc văn bản, tin đồn và lạm dụng quyền để chửi nhau, lăng mạ, phân biệt màu da, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, quấy rối tình dục...
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đến bạo lực tại nơi làm việc, thậm chí thờ ơ, đồng nghiệp không dám can ngăn hay tố giác do ngại liên lụy hoặc sợ trả thù. Vì vậy thiết nghĩ, ngoài các biện pháp như kiểm tra lý lịch đối với nhân viên mới; đề ra các quy định chặt chẽ về bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc; nhận biết các dấu hiệu và cảnh báo bạo lực; cung cấp một cách rõ ràng và an toàn các biện pháp phòng ngừa bạo lực để nhân viên biết thì DN cung cần quan tâm đến vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong DN. Bởi xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong DN cũng là phương thức để NLĐ đoàn kết với nhau và gắn bó với DN. Thực hiện tốt văn hóa trong DN còn giúp DN phát huy được các nguồn lực nội sinh, triển khai có hiệu quả các chiến lược sản xuất, kinh doanh đồng thời phát triển được các giá trị đạo đức và nhân văn con người của DN, trong đó có việc hạn chế vấn đề bạo lực tại nơi làm việc. Về lâu dài, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cũng là yếu tố bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của DN. Vì vậy, không thể xem nhẹ yếu tố văn hóa của DN.
ĐÀ BÌNH