Không thể chờ kiềm chế lạm phát rồi mới đổi mới mô hình tăng trưởng

Thứ bảy, ngày 06/08/2011

LTS: Chiều qua (5-8), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2011. Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã tham gia đóng góp ý kiến. Báo Bình Dương giới thiệu nội dung góp ý trên.

Tôi vui mừng trước những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2011. Đúng như báo cáo của Chính phủ đã khẳng định, trong tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp và khó khăn cả trong và ngoài nước, nền kinh tế của chúng ta vẫn đạt được mức tăng trưởng hợp lý, thu ngân sách tăng đáng kể, kim ngạch xuất khẩu tăng một cách tích cực, đầu tư xã hội nhất là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đầu tư cho người nghèo, huyện nghèo... vẫn giữ được ở mức cần thiết, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, cũng trong 6 tháng vừa qua, chúng ta đã triển khai một loạt các chính sách quan trọng tạo được hiệu ứng kinh tế - xã hội cơ bản, chặn đứng các cơn sốt vàng, đô la, góp phần bình ổn trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ổn định và cân bằng các cân đối vĩ mô. Những thành tựu đạt được nêu trên là kết quả sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân ta đã tích cực khắc phục khó khăn, chủ động, linh hoạt khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có số đông những người lao động thu nhập thấp trong công nhân, nông dân những người hàng ngày phải hứng chịu và đương đầu với cơn bão giá cả thị trường. Trong tình hình còn nhiều khó khăn và phức tạp hiện nay, những thành tựu nêu trên càng có ý nghĩa tích cực về chính trị xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước.

Tôi cũng nhất trí với báo cáo của Chính phủ nhận định về những hạn chế, khó khăn của tình hình và về các phương hướng và biện pháp trong thời gian tới. Tôi chỉ xin được có thêm ý kiến về một số vấn đề sau đây:

1. Trước hết tôi muốn đề cập đến nguyên nhân của tình hình lạm phát. Trong báo cáo của Chính phủ, bản tóm tắt do Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ đọc trong hội trường, ở trang 5 cho rằng “nguyên nhân của lạm phát cao có yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu quốc tế tăng và tình hình lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và yếu tố bên trong do tác động của việc sử dụng gói kích cầu kinh tế từ năm 2008 đến năm 2010 và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương cán bộ, công chức...”. Theo cách nhận định này thì tác nhân chính bên trong gây lạm phát cao là do gói kích cầu. Điều này có đúng không? Và lúc này, khi cả nước tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... lại nhận định nguyên nhân theo hướng đó liệu có ổn không? Năm 2008, gói kích cầu do Chính phủ đề nghị, Quốc hội thảo luận, biểu quyết với mức độ nhất trí rất cao và trong thực tế triển khai thực hiện nó đã phát huy hiệu quả nhất định. Theo tôi, gói kích cầu không phải là tác nhân chính bên trong gây lạm phát cao mà chính những khiếm khuyết trong cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng của chúng ta cộng với khả năng quản lý, điều hành còn nhiều yếu kém đã đẩy đến lạm phát ngày càng lên cao. Chúng ta phải xác định đúng nguyên nhân mới có thể tập hợp được trí lực và hành động đúng hướng để nhanh chóng cắt cơn lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

2. Tôi thật sự rất băn khoăn về tình hình nhập siêu. Liên tục trong nhiều năm vừa qua, ta luôn trong tình trạng nhập siêu. Trong 10 năm từ 2001 đến 2010 ta đã nhập siêu hơn 81 tỷ đô la, riêng năm 2010 đã nhập siêu hơn 12 tỷ đô la. Trong 6 tháng đầu năm nay chúng ta cũng tiếp tục nhập siêu. Báo cáo nào của chúng ta cũng đề ra chủ trương giảm nhập siêu, không nhập những mặt hàng kém chất lượng, hàng xa xỉ, những mặt hàng trong nước có thể sản xuất được, hạn chế nhập hàng tiêu dùng... nhưng nhập siêu vẫn cứ nhập siêu. Như vậy thì bản chất của tình hình này là gì? Hội nhập kinh tế thế giới, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, tất nhiên nền kinh tế của chúng ta phải chấp nhận nhất định việc nhập siêu, nhưng nhập siêu kéo dài, liên tục trong nhiều năm và ngày càng tăng cao chắc chắn chỉ là hậu quả của sự quản lý yếu kém. Muốn nhập phải có quota, tỉnh, huyện không có quyền cấp quota... Tôi đề nghị cần nghiêm túc chấn chỉnh tình hình nhập siêu.

3. Bội chi ngân sách và nợ công ngày càng cao cũng là vấn đề mà chúng ta luôn quan tâm. Tính chung trong 5 năm, từ 2006 đến 2010 đã bội chi ngân sách trên 404.000 tỷ đồng, bằng 5,58% GDP. Theo đà bội chi ngân sách, nợ công của ta cũng tăng nhanh, trong 10 năm qua bình quân nợ công tăng 21,2%/năm. Mặc dù Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có tỷ lệ nợ công trung bình nhưng tốc độ tăng nợ công và tỷ lệ nợ công so với GDP của nước ta đều đang ở mức đáng lo ngại. Năm nay Chính phủ đề ra kế hoạch giảm bội chi ngân sách xuống còn dưới 5% GDP, đây là điều đáng hoan nghênh, có thể xem như đây là dấu hiệu đầu tiên của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Tôi tin rằng với quyết tâm cao, chúng ta sẽ đạt được chỉ tiêu này .

4. Còn một vấn đề nữa luôn gây nhức nhối trong chúng ta. Chỉ riêng 4 năm từ 2007 đến 2010 giá tiêu dùng đã tăng gần 60,7%, bình quân tăng mỗi năm 12,6%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm chỉ từ 7 đến 8%. Điều này có nghĩa là giá trị thật của tăng trưởng không nhiều, thậm chí ở mức âm. Sự thật này đã thản nhiên thể hiện trong sinh hoạt của người lao động. Thu nhập của người dân tuy có tăng nhưng giá trị tiêu dùng ngày càng giảm. Càng giảm dữ dội hơn khi lương thực, thực phẩm lại là những mặt hàng tăng giá nhanh và cao nhất. Chỉ trong vài tháng vừa qua, có mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, rau đã tăng giá gấp đôi. Sự tăng giá như vậy đồng nghĩa với việc người lao động phải ăn ở tồi tệ hơn trước. Chúng ta cần có những chương trình hỗ trợ tích cực cho người lao động thu nhập thấp. Năm nay Chính phủ đề ra chỉ tiêu sẽ tăng trưởng khoảng 6% và chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức 15-17%. Tôi cho rằng phải nỗ lực phấn đấu thật nhiều mới có thể đạt được chỉ tiêu đó. Và theo tôi, chỉ có thể đạt được chỉ tiêu đó nếu ta tiếp tục kiên trì và kiên quyết thực hiện nhất quán chính sách tài khóa thắt chặt, phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Trong 6 tháng còn lại của năm 2011 này, trừ chính sách tỷ giá có thể điều chỉnh linh hoạt nhất định, còn lại, theo tôi, mọi ý định hay hành động nhằm nới lỏng, linh hoạt tài chính và tiền tệ, dù với động cơ và mục đích nào cũng đều có thể gây thiệt hại cho đất nước. Vừa qua có ý kiến đề nghị nới lỏng lãi suất cho vay để giải cứu thị trường bất động sản. Chính phủ đã từ chối. Theo tôi, Chính phủ đã rất sáng suốt.

5. Trong 6 tháng qua, trong tình hình lạm phát tăng cao, về văn hóa xã hội cũng có những diễn biến phức tạp đáng lưu ý mà báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ với các biện pháp hợp lý để khắc phục và điều chỉnh tình hình. Gần đây, có sự kiện hàng ngàn bài thi môn sử bị điểm 0. Có ý kiến của nhiều người, cả người trong ngành giáo dục cho đó là chuyện bình thường. Sao đó có thể là chuyện bình thường được? Và sao lại có thể đem so sánh việc dạy và học môn sử với môn tin học hay ngoại ngữ? Tôi hoan nghênh nội dung thông báo chính thức vừa qua của Bộ Giáo dục - Đào tạo về sự kiện các bài thi môn sử điểm 0 này. Trong nhiều lĩnh vực hoạt động hiện nay, nhất là về văn hóa, giáo dục... chúng ta không chỉ cần thêm chính sách hay kinh phí mà còn cần nhiều hơn tinh thần trách nhiệm. Theo tôi, nếu cho sự kiện hàng ngàn bài thi môn sử là điều bình thường thì đó chính là cái bình thường của sự thiếu trách nhiệm và vô cảm. Tôi tin rằng Chính phủ không để yên cho những sự bình thường theo kiểu đó.

6. Vừa qua, Chính phủ mới đã được Quốc hội phê chuẩn với số phiếu tín nhiệm cao. Chính phủ mới trẻ và năng động nên bắt tay ngay vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta không thể chờ kiềm chế lạm phát xong mới chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đổi mới càng sớm mô hình tăng trưởng đang dựa chủ yếu vào đầu tư sang mô hình phát triển bền vững dựa vào kinh tế tri thức, chính là ngăn ngừa có hiệu quả lạm phát và mầm mống lạm phát. Chính phủ của Quốc hội khóa XIII theo tôi là Chính phủ của đổi mới mô hình tăng trưởng. Tôi chúc và tôi hoàn toàn tin tưởng Chính phủ sẽ thành công tốt đẹp trong thực hiện nhiệm vụ này.

* Tựa bài do Tòa soạn đặt