Không ngừng đổi mới sáng tạo, thi đua dạy tốt
(BDO) Tích cực đổi mới trong dạy - học
Chúng tôi tìm gặp cô Lưu Thị Thủy, giáo viên môn lịch sử trường THPT Lý Thái Tổ (TP. Thuận An) đúng lúc cô đang giờ lên lớp. Tiết học lịch sử vốn dĩ khô khan với khối lượng kiến thức lớn dễ gây nhàm chán cho học sinh (HS), nhưng chúng tôi khá bất ngờ bởi qua cách dạy đổi mới của cô, HS trong lớp đều rất hứng thú, tích cực tham gia tương tác.
Nhiều giáo viên đã mạnh dạn đổi mới các phương pháp dạy học để tạo hứng thú cho học sinh
Cô Thủy cho biết để việc giảng dạy của mình cũng như việc học tập của HS đạt kết quả tốt, trong quá trình giảng dạy, cô luôn lấy HS làm trung tâm; dạy học thông qua tổ chức các hoạt động cho HS, đặc biệt là các hoạt động mang tính trải nghiệm để HS tự khám phá, tìm ra kiến thức. “Hiện nay, sẽ không còn khái niệm học là ghi chép như cũ. Giáo viên sẽ là người nêu vấn đề, hướng dẫn các em tự tìm kiếm, sưu tầm những thông tin chính thống cho bài học. Sau đó, các em sẽ tự thiết kế bài học theo các hình thức như diễn kịch, vẽ tranh ảnh, mô hình qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)... Do đó, trong mỗi tiết học, các em phát huy được tính tích cực và khả năng tư duy”, cô Thủy chia sẻ thêm.
Hòa chung với không khí thi đua sôi nổi của cả nước hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), nhiều trường học trong tỉnh đã tổ chức hoạt động thi đua dạy tốt - học tốt và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Theo đó, giáo viên đã ứng dụng CNTT, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, tổ chức các hoạt động trải nghiệm - sáng tạo… nhằm tạo nên không khí thi đua sôi nổi, mang đến những giờ học sinh động, hào hứng cho HS; đồng thời thúc đẩy đội ngũ nhà giáo không ngừng đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với định hướng giáo dục và hoàn thành tốt các nhiệm vụ cao cả trong sự nghiệp “trồng người”.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Xác định được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nhà trường, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tổ chức dạy học. Đặc biệt, trong giai đoạn Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, sở đã tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai có hiệu quả ứng dụng CNTT trong dạy và học. Đặc biệt, các trường chú trọng kết hợp hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục ở các cấp học; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các hình thức dạy học trực tuyến cho giáo viên. Qua nhiều đợt tập huấn, giáo viên đã sử dụng thành thạo và chọn lựa áp dụng các phần mềm dạy học phù hợp với thực tế đơn vị, như: Zoom, MS TEAM, Google meeting, Google Classroom…
Hiện tại, các cơ sở giáo dục đều được kết nối internet tốc độ cao, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên toàn tỉnh sử dụng hiệu quả Cổng thông tin “Trường học kết nối” của Bộ GD-DT phục vụ trao đổi chuyên môn, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong nhà trường. Giáo viên có điều kiện thuận lợi trong xây dựng giáo án điện tử và giảng dạy bằng các phương tiện hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng giờ học. Sở cũng tổ chức tập huấn triển khai nội dung giáo dục STEM cho 414 giáo viên. Toàn ngành có 97/385 trường công lập được trang bị thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại cho phòng học dùng chung, đạt 25,19%. Đối với phòng học STEM, sở đầu tư được 54/266 trường phổ thông công lập, đạt 20,30%.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Do đó, các cơ sở giáo dục cần chú ý không ngừng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên; bản thân giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, trọng tâm là đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu của HS.
HỒNG PHƯƠNG