"Không nên đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi'

Thứ năm, ngày 21/05/2020

(BDO)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Ngày 21/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp, trong đó có nêu hai luồng ý kiến trái chiều về phạm vi điều chỉnh và quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật.

Bên cạnh việc một số đại biểu nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 thì nhiều đại biểu lại đề nghị nên ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc, cho rằng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh đến hộ kinh doanh là vấn đề lớn với phạm vi rất rộng.

“Trên thực tế, số hộ kinh doanh lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp, mặt khác đây là loại hình kinh doanh rất phổ biến ở Việt Nam nhưng không phải là doanh nghiệp. Cho nên, luật quy định đến hộ kinh doanh thì tên gọi cũng phải xem xét lại,” ông Trần Văn Tiến trao đổi.

Theo ông Tiến, việc hoàn thành khung pháp lý đối với hộ kinh doanh là điều rất cần thiết. Hộ kinh doanh cùng tồn tại với nhiều loại hình kinh doanh khác trong xã hội, do đó cần phải có sự quản lý cũng như được tiếp cận với những chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh cũng cần bảo đảm tuân thủ pháp luật bình đẳng như các chủ thể khác và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

“Hiện, các hộ kinh doanh có số lượng nhiều gấp năm, sáu lần số lượng doanh nghiệp và về bản chất hoạt động, cách thức, quy mô rất khác so với các doanh nghiệp. Do đó, tôi cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp lần này,” ông Tiến nói.

Hiện cả nước có trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 3,5 triệu hộ có mã số thuế, còn lại trên 2 triệu hộ là kinh doanh nhỏ lẻ. Tổng tài sản các hộ kinh doanh lên tới 655.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết gần 8 triệu việc làm với doanh thu đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng chiếm khoảng 30 % GDP. Do đó, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng cần có sự thống nhất trong việc quản lý hộ kinh doanh, cơ sở pháp lý từ Nghị định chuyển lên thành Luật để mô hình kinh doanh này có địa vị pháp lý cao hơn.

Theo ông Tuấn, đa số hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống, quy mô nhỏ mang tính gia đình nên luật cần có sự điều chỉnh phù hợp để dễ quản lý. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không bao hàm được các nội dung hướng dẫn riêng, do đó không nên vào dự án Luật.

Thêm vào đó, ông Tuấn chỉ ra dự án Luật có quy định các hộ gia đình sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, những người bán hàng rong có thu nhập thấp không bắt buộc kê khai hộ kinh doanh. Song, Luật lại không quy định rõ thế nào là thu nhập thấp, dẫn đến sự so bì giữa các cơ sở kinh doanh, ngành nghề đồng thời có thể làm cho các hộ kinh doanh có động cơ không muốn phát triển. Vì nếu phát triển thành lập hộ kinh doanh, họ sẽ phải nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Đồng tình với những ý kiến trên, đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn Hải Phòng) chỉ ra thêm một số điểm không rõ ràng về quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp như: thế nào là hộ kinh doanh? Do các thành viên trong gia đình đăng ký? - Nhưng thành viên gia đình theo Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rất rộng và bao gồm rất nhiều thành phần, thêm vào đó dự thảo Luật Doanh nghiệp quy định về hộ gia đình cũng không rõ ràng.

Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Nếu việc xác định hộ kinh doanh chưa rõ, hệ quả sẽ không xác định được phương thức quản lý. Điều này có thể gây khó khăn trong hoạt động hiện tại của hàng triệu hộ kinh doanh. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiêm chỉnh xem xét, chưa nhất thiết đưa hình thức hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)”./.

Theo TTXVN