Không lo thiếu khẩu trang phòng ngừa dịch viêm phổi cấp Corona
(BDO)
Đoàn viên thanh niên TP.Thủ Dầu Một phát khẩu trang y tế cho người dân đi viếng chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ảnh: NGỌC NHƯ
Hàng quán thưa khách, khẩu trang “hút” hàng
Sau khi các phương tiện thông tin liên tục về tình hình dịch bệnh Corona, theo ghi nhận của phóng viên hiện nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê trên địa bàn tỉnh lượng khách đến ít hơn ngày thường. Bạn Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên phục vụ nhà hàng LAT, quốc lộ 13, cho biết thời điểm này năm ngoái nhà hàng rất đông khách họp mặt đầu năm, còn thời điểm này lượng khách giảm rất nhiều.
Cùng chung cảnh ngộ với quán ăn, nhà hàng, nhiều tiệm cà phê lượng khách cũng giảm… vì ảnh hưởng từ dịch viêm phổi cấp do vi rút Corona gây ra. Anh Nguyễn Thanh Long, chủ quán phở trên đường 30-4, TP.Thủ Dầu Một, cho hay mấy ngày nay khách chủ yếu đến mua hàng đem về nhà, không ăn tại quán như thường lệ. Chủ quán, người phục vụ cũng trang bị khẩu trang để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và khách hàng. Tình hình buôn bán đang gặp khó khăn nhưng anh cho biết trong điều kiện dịch bệnh mọi người chú trọng bảo vệ sức khỏe như vậy cũng là điều đáng mừng.
Bạn Hoàng Vũ, nhân viên quán cà phê trên đường Trần Văn Ơn, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết lượng khách của quán đa phần là khách quen nên hiện vẫn khá đông. Tuy nhiên, khách đến đây đa phần đều đeo khẩu trang và uống nhanh, không ngồi lâu nhâm nhi như những ngày bình thường.
Trong khi đó, theo chị Lê Kim Trang, nhân viên tiệm thuốc tây trên đường Huỳnh Văn Lũy, từ mùng 1 tết - thời điểm tình trạng dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona diễn biến phức tạp, mỗi ngày lượng khẩu trang y tế tiệm nhập về tăng gấp 10 lần so với ngày thường nhưng vẫn “cháy” hàng. “Mấy ngày nay, khi trở lại làm việc, khách hàng mua chủ yếu là doanh nghiệp để trang bị cho nhân viên sử dụng và các đơn vị, cá nhân từ thiện nên số lượng mua rất lớn. Hiện mặt hàng này không còn, nhà thuốc đang đặt hàng bên doanh nghiệp sản xuất và hy vọng sớm có trong ngày để phục vụ. Tiệm thuốc giữ nguyên giá bán so với ngày thường”, chị Trang nói.
Không chỉ nhà thuốc, tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh, như Co.opmart, Big C, Aeon Mall, Vinmart… lượng người tìm mua khẩu trang y tế cũng tăng đột biến khiến nhiều nơi không còn hàng để bán. Ngoài ra, dung dịch sát khuẩn tay cũng đang trong tình trạng “cháy” hàng.
Chủ động bình ổn thị trường hàng hóa
Theo Sở Công thương, đơn vị đang theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh gây ra để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường. Theo đó, sở đã có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn trên thị trường để có kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa, lên phương án thị trường nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài; sẽ làm việc với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu để có giải pháp giải quyết kịp thời nhằm bình ổn thị trường.
Đối với thị trường khẩu trang, sở cho rằng người tiêu dùng không nên mua tích trữ khẩu trang nhiều gây bất ổn thị trường mặt hàng này. Hiện các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đã và đang nỗ lực sản xuất, cung ứng cho thị trường nên người dân không nên mua khẩu trang tích trữ quá nhiều.
Mặc dù theo quy định tại Nghị định số 177/2013/ NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, nhưng Bộ Công thương cũng đã có ý kiến khi nhu cầu thị trường tăng cao có thể sẽ thêm nhiều nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp hiện hữu sẽ tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến tăng giá bất hợp lý.
Ông Hoàng Long, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương, cho biết siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng đầy đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
TIỂU MY