Không lo thiếu hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch bệnh nCoV
(BDO)
Siêu thị Co.opmart Bình Dương bổ sung hàng hóa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ảnh: TIỂU MY
Hàng hóa không thiếu
Theo ghi nhận, thị trường Bình Dương hiện lượng hàng hóa thiết yếu, nhu phẩm, lương thực, thực phẩm vẫn bảo đảm đủ nguồn cung cho người dân. Những ngày gần đây, lượng hàng hóa bán ra tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tăng là do học sinh được nghỉ học nên đa số phụ huynh phải tăng lượng thực phẩm tại nhà, đồng thời để phòng bệnh các gia đình chú trọng tăng sức đề kháng của các thành viên trong gia đình.
Anh Nguyễn Thành Long, ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, cho hay trước việc dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp, gia đình anh hạn chế ra ngoài ăn uống nên tranh thủ vào siêu thị mua rau, củ, quả về dự trữ. Thêm vào đó, các cháu nghỉ học để phòng bệnh nên lượng thức ăn trong tuần của gia đình phải nhiều hơn. Rau, quả như cần tây, táo, cam… gia đình mua nhiều để tăng cường sức đề kháng, chứ không phải mua về dự trữ.
Cũng như gia đình anh Long, nhiều người dân lo sợ dịch bệnh nCoV nên hạn chế tiếp xúc ở những nơi đông người, do đó đã chủ động mua sắm thực phẩm khô, rau, củ, quả chuẩn bị cho cả tuần. Điều này dẫn đến lượng tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả của người dân tăng lên, song không có hiện tượng tăng đột biến.
Bà Vũ Thanh Trúc, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một), cho biết đến nay lượng hàng hóa của siêu thị đã ổn định. Hiện hệ thống kho chứa của siêu thị đã sẵn sàng triển khai kế hoạch khi thị trường cần, bảo đảm cung ứng nguồn hàng kịp thời cũng như bình ổn giá thị trường. Lượng hàng hóa siêu thị bán ra những ngày qua có tăng nhưng không có tăng đột biến. Trong khi đó, ông Hạ Hoàng Anh Tuấn, đại diện Siêu thị Big C (TP.Thủ Dầu Một), cho hay hiện hàng hóa bán tại siêu thị ổn định. Siêu thị bảo đảm lượng hàng hóa thiết yếu đủ cung cấp cho người dân.
Cùng với việc phân phối tập trung, hiện một số siêu thị trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh bán hàng thông qua phương thức thương mại điện tử, “ship” đến tận nhà để hạn chế người dân đến chỗ đông người.
Chủ động nguồn cung hàng hóa
Ngày 4-2, Sở Công thương đã làm việc với các địa phương và các hệ thống phân phối xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn hàng thiết yếu, nguồn hàng chống dịch khác trong hệ thống của mình, đẩy mạnh kết nối tìm nguồn hàng cần trong mùa dịch, chủ động tiêu thụ những mặt hàng nông sản đang ứ đọng như thanh long, dưa hấu và một số mặt hàng khác.
Cụ thể, đối với mặt hàng rau, củ, quả, sở đã làm việc trực tiếp với nhà cung cấp để cung ứng lượng hàng tốt nhất, đồng thời tăng cường nguồn rau, củ, quả từ các địa phương. Đặc biệt, với tình hình hàng hóa thiết yếu như dầu ăn, mì gói, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để dự trữ, tăng số lượng hàng hóa thông thường, bảo đảm đủ nguồn cung cho khách hàng trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Sở cũng đề nghị các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và các đơn vị liên quan làm việc với ban quản lý các chợ để có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Tại các địa phương, đến thời điểm này nguồn hàng ổn định, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, không có tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ gây bất ổn thị trường.
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND tỉnh, sở đã kịp thời làm việc với các hệ thống phân phối lớn như Big C, Co.opmart, MM Mega Market, AEON… để ổn định nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thực phẩm bổ sung tốt cho sức khỏe, mặt hàng cần cho việc chống dịch bệnh như nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang. Hiện các kho hàng lớn đều nằm tại TP.Dĩ An nên việc luân chuyển hàng hóa sẽ thuận lợi trong trường hợp Bình Dương xảy ra dịch bệnh. Người dân không nên nghe theo những tin đồn thất thiệt về việc thiếu hàng hóa dẫn đến tâm lý lo ngại và dự trữ hàng số lượng lớn, gây bất ổn, nhiễu loạn thị trường.
Mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) có văn bản đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố vào cuộc kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa của các đơn vị, có báo cáo nhanh, hàng ngày về bộ. Theo đó, các sở có báo cáo nhanh 13 nhóm hàng thiết yếu phục vụ người dân, 3 nhóm hàng phục vụ công tác phòng dịch. Để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tình hình dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý. Hiện các hệ thống phân phối lớn cam kết có đủ hàng hóa, hàng bình ổn phục vụ nhu cầu của người dân.
TIỂU MY