Không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch chồng dịch

Thứ hai, ngày 18/07/2022

(BDO) Dịch bệnh theo mùa và ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao

Hiện nay, đang là cao điểm của dịch SXH, tay chân miệng khi số ca mắc liên tục tăng cao. Số liệu thống kê cho thấy trong gần 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.200 ca mắc SXH, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 10 ca tử vong. 2 ca tử vong gần đây được ghi nhận tại TP.Thủ Dầu Một và huyện Bắc Tân Uyên. Số ca mắc SXH tập trung chủ yếu tại một số huyện, thị, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca mắc, như: TX.Tân Uyên, TP.Dĩ An, TP.Thuận An. Ngoài ra, các địa phương khác cũng ghi nhận từ hơn 100 ca đến 900 ca.

Đặc biệt, trẻ em dưới 15 tuổi được ghi nhận có số ca mắc tăng cao với trên 2.600 ca, tăng hơn 33% so với cùng kỳ và 7 ca tử vong là trẻ dưới 15 tuổi. Trong tổng số hơn 7.200 ca mắc SXH có 252 ca nặng, trong đó dưới 15 tuổi là 155 ca. Tính đến ngày 14-7, toàn tỉnh đã phát hiện được 1.289 ổ dịch, tăng 398 ổ dịch so với cùng kỳ, trong đó số ổ dịch xử lý diệt lăng quăng là 744 ổ và 545 ổ vừa diệt lăng quăng vừa phun hóa chất. Điều đáng nói là trên địa bàn tỉnh hiện nay mầm bệnh SXH đang lưu hành sâu rộng với chủng vi rút D-2 chiếm ưu thế. Đây được cho là chủng có độc lực cao hơn, khiến số ca nặng và tử vong tăng. Với đà tăng này, ngành y tế dự báo trong thời gian tới số ca mắc SXH mới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngành y tế tỉnh thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Ngành y tế tỉnh đã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, chú trọng đến những điểm nóng có nguy cơ bùng phát dịch; đẩy mạnh truyền thông và theo dõi chặt tình hình dịch bệnh đến các ấp, khu phố để đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh SXH nhằm đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời. Khó khăn lớn tại Bình Dương khi triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH là thiếu lực lượng y tế cơ sở. Sau dịch bệnh Covid-19, hàng loạt nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc đã gây không ít khó khăn cho hoạt động phòng, chống SXH tại cộng đồng”.

Trong khi dịch bệnh SXH gia tăng trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh Covid-19 tuy được khống chế, kiểm soát tốt, nhưng biến thể phụ của Omicron đã xâm nhập vào nước ta, có khả năng lây lan nhanh và làm cho dịch bệnh gia tăng trở lại. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch, dịch Covid-19 lẫn dịch SXH đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nhiều người có tâm lý lơ là phòng, chống dịch. Đối với dịch bệnh SXH, nhiều người thờ ơ, không tự giác diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn vệ sinh tại gia đình. Đối với dịch bệnh Covid-19, một số người chủ quan cho rằng dịch đã hết nên không đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh theo mùa và số ca mắc Covid-19 tăng cao, Tỉnh ủy đã ban hành Văn bản số 842-CV/TU về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Nhấn mạnh đến các biện pháp phòng chống, không để dịch chồng dịch, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện 4 nội dung trọng tâm phòng, chống dịch. Người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng... Các hoạt động này phải gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị.

Cán bộ các đoàn thể TX.Tân Uyên đến từng hộ dân phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: KIM HÀ

Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố tuyên truyền về nhiệm vụ người dân. Ngành y tế triển khai quyết liệt các hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng, sởi, ho gà, như: Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; loại bỏ các vật dụng phế thải có chứa nước đọng; các cơ sở điều trị thực hiện việc thu dung, phân tuyến điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Cùng với các bệnh theo mùa, các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19; tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống.

Công văn cũng nêu rõ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu hóa chất và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Người đứng đầu địa phương, đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là đối với nguy cơ dịch bệnh; luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng phương án, kịch bản cụ thể. Các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt và có hình thức xử lý đối với các cá nhân, đơn vị không hoặc chưa triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. 

“Bình Dương đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch khi dịch Covid-19 lẫn dịch SXH đang có dấu hiệu gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca nhiễm và số ca tử vong do Covid-19 tăng trên toàn thế giới, trong đó biến chủng BA.4 và BA.5 chiếm ưu thế. Ở Việt Nam, số ca mắc đang gia tăng sau khi biến chủng BA.4, BA.5 xuất hiện. Riêng ở Bình Dương, số ca mắc Covid-19 mới đang có khuynh hướng tăng nhẹ trong 2 tuần qua”.
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

KIM HÀ