Không khoan nhượng với hành vi hủy hoại môi trường

Thứ bảy, ngày 05/06/2010

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia 2009 - môi trường khu công nghiệp Việt Nam. Qua đó, cảnh báo môi trường xung quanh của không ít KCN trong nhiều địa phương đang bị suy thoái nghiêm trọng; đặc biệt là chất lượng nước mặt các con sông ở những vùng chịu tác động từ nguồn xả thải của các KCN. Nguyên nhân chủ yếu là do 57% các KCN đang hoạt động trên cả nước chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, phần lớn xả thẳng nước thải vào hệ thống sông ngòi!

Thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều cố gắng trong việc xử lý chất thải, 14/23 KCN trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải; song vẫn còn 9 KCN cần tiếp tục hoàn thiện, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Thực tế, số KCN còn vướng mắc này chủ yếu đều hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã đi vào hoạt động trước khi có những quy định, biện pháp chế tài cụ thể nhằm bảo vệ tốt môi trường. Vì vậy “không có hệ thống xử lý nước thải” là do “lịch sử để lại”! Giờ muốn làm “chạm” không ít khó khăn bởi ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng của KCN, doanh nghiệp thiếu nhiệt tình hợp tác bỏ vốn đầu tư. Đã thế vẫn có một số doanh nghiệp còn tìm đường “lách luật”, dựa dẫm vào Quyết định 62 - Bộ KHCN-MT ban hành vào năm 2002 có câu: “Các KCN chỉ được chính thức hoạt động khi có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải khi lấp đầy 70% diện tích được cho phép”. Doanh nghiệp lợi dụng câu này để ra “chiêu”: có xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, đơn vị chưa hoạt động, chưa lấp đầy diện tích nên chưa xây dựng...

Tìm cách “ăn” vào môi trường để hưởng lợi, có các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đạt lợi nhuận cao, thu lãi nhiều nhưng chẳng muốn bỏ tiền ra đầu tư cho việc bảo vệ môi trường. Tệ hại hơn, có doanh nghiệp cho rằng tốn kém nên không làm hoặc làm mang tính hình thức để đối phó: có xây dựng nhưng không vận hành, thiết kế ngầm rất khó phát hiện để lén lút xả thẳng ra ngoài! Cũng vì mải mê chạy theo lợi nhuận, số doanh nghiệp làm ăn không tử tế này bất chấp đạo đức kinh doanh, uy tín thương hiệu, bỏ qua lời cam kết bảo vệ tốt môi trường!

Trước thực trạng này, thiết nghĩ cần kiên quyết chung tay xử lý; đối với các KCN do yếu tố “lịch sử để lại” cần vạch lộ trình cụ thể, sớm đưa vào quy định chung, các KCN mới thành lập thì không cấp phép hoạt động nếu như chưa có hệ thống xử lý chất thải. Ngành có chức năng quản lý cần được đầu tư trang bị các máy móc, công cụ kỹ thuật hiện đại để giám sát thường xuyên tình trạng môi trường của từng KCN; công bố rộng rãi số điện thoại “đường dây nóng” để bất kỳ người dân nào cũng kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi sai phạm.

Đã đến lúc phải kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi hủy hoại môi trường sống bằng cách chung tay hợp lực. Không thể chần chừ, khoan nhượng với cung cách làm ăn “sống chết mặc bây”, vô cảm và thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

THANH NHÀN