Không khó để xây dựng nền Kinh tế Xanh
Dù còn nhiều thách thức về trình độ phát triển, công nghệ sản xuất, trình độ phát triển khoa học cũng như thể chế pháp luật... nhưng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nền Kinh tế Xanh mà không phải quốc gia nào cũng có được. Vì thế với chủ đề cho Ngày Môi trường thế giới 5-6 là “Kinh tế Xanh: Có vai trò của bạn” là nhằm phản ánh nhận thức sâu rộng đối với Kinh tế Xanh như là bước đi tiếp theo hướng tới thế kỷ XXI bền vững. Quan trọng hơn, khi các quốc gia trên thế giới đang vực dậy sau khủng hoảng kinh tế, đây là sự cần thiết vì nó đem lại những kết quả tích cực cho sự phát triển kinh tế, công bằng xã hội và sự tiến bộ trong quản lý môi trường.
Thực tế, sau một năm Kinh tế Xanh được công nhận (từ năm 2008), cộng đồng EU và Mỹ đã tạo ra 2 - 3,5 triệu việc làm khi xây dựng các tòa nhà xanh, Trung Quốc tạo nên 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo với doanh thu 17 tỷ USD/năm. Và Brazil - quốc gia Nam Mỹ đi đầu trong việc xây dựng một nền Kinh tế Xanh có ngành công nghiệp tái chế với nguồn thu 2 tỷ USD/năm, đồng thời giảm 10 triệu tấn khí nhà kính thải ra môi trường. Đó là tại những nước và khu vực phát triển, còn ở nhóm nước đang phát triển, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Kinh tế Xanh như xây dựng, năng lượng, vận tải có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với biến đổi khí hậu. Thực tiễn đó cho thấy rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh tạo ra tiềm năng lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm nghèo đói với tốc độ chưa từng thấy.
Việt Nam có vị trí địa lý nằm trung tâm châu Á, một châu lục được đánh giá là đang và sẽ phát triển năng động nhất thế giới. Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, nền nông nghiệp phát triển với nhiều sản phẩm đứng trong top 5 thế giới. Việt Nam có nền chính trị ổn định, xã hội thân thiện, thuần nhất và người dân ôn hòa. Đây là những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: Mục tiêu hướng tới chất lượng tăng trưởng của Việt Nam sẽ tập trung phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, có sử dụng công nghệ cao để từng bước nâng cao sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Điều này thể hiện trong Dự thảo chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo. Chiến lược nêu rõ “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực tiễn tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Như vậy, tăng trưởng xanh là phù hợp với chiến lược dài hạn của Việt Nam và định hướng phát triển bền vững nói chung, phù hợp với những lợi thế so sánh mà Việt Nam cần phát huy trong thế giới toàn cầu hóa.
* MAI HUY