Không đưa được người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện vì “vướng” quá nhiều thủ tục
(BDO) Ngày 1-1-2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực. Theo quy định của văn bản pháp luật này thì để đưa một người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục, trong đó có nhiều thủ tục không khả thi. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Ninh Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kiêm Phó Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Bình Dương.
Học viên cai nghiện đang lao động, trị liệu tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh
Theo ông Bình, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có hiệu lực, các bộ, ngành đã tổ chức nhiều hội nghị để triển khai, đánh giá thực trạng và kiến nghị giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Luật XLVPHC về việc quy định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, cho đến hiện tại việc áp dụng những quy định này cũng không khả thi vì có quá nhiều thủ tục khó thực hiện.
- Ông có thể cho biết những “vướng mắc” cụ thể trong quy định của Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành?
- Theo quy định của Luật XLVPHC thì thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc tòa án nhân dân cấp huyện. Đây là quy định rất mới so với trước đây (Quyết định của Tòa án nhân dân thay cho Quyết định của UBND cấp huyện). Tuy nhiên, để hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định hiện hành tới được tòa án để cơ quan này ra quyết định sau cùng, hiện còn nhiều vướng mắc, không thực hiện được. Cụ thể tại điều 9, Nghị định 211/2013/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định phải có 8 loại giấy tờ (3 biên bản, 4 quyết định, tờ trình) như: Bảng tóm tắt lý lịch; phiếu kết quả về tình trạng nghiện ma túy của người có thẩm quyền là y, bác sĩ thuộc trạm y tế xã, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên; giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện tại gia đình hoặc tại cộng đồng của Chủ tịch UBND cấp xã... Đây là những quy định “quá khó” đối với cấp xã khi tiến hành lập thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Khó nhất là xác định tình trạng nghiện của đối tượng, do ngành y tế chưa triển khai hướng dẫn và cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế. Cán bộ y tế đảm đương không xuể công việc này, thiếu phân công cụ thể đồng bộ, đối tượng không tự giác khai báo. Nhiều đối tượng nghiện chưa thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, trong khi gia đình và bản thân chấp nhận biện pháp cai nghiện bắt buộc, tập trung. Trong các năm qua, người nghiện được đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động việc làm của tỉnh theo Nghị định 43/CP chiếm 60 - 70% là người không có nơi ở ổn định. Tuy nhiên, hiện nay hồ sơ đối với đối tượng này đang bị “tắc” hoàn toàn vì Điều 9 và Điều 14, Nghị định 211/2013/NĐ-CP quy định hồ sơ đối tượng này phải có quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã về việc giao cho một tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tại Điều 14, Nghị định 211/2013/NĐ-CP quy định tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định phải bảo đảm các điều kiện về vật chất, nhân sự và kinh phí hỗ trợ trực tiếp. Tổ chức đó phải có 3 phòng chức năng, phòng khám và cấp cứu, diện tích tối thiểu 10m2; phòng lưu bệnh nhân với đủ dụng cụ sinh hoạt; phòng trực của cán bộ y tế. Về nhân sự phải có tối thiểu 4 người, có y, bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa có chứng chỉ hành nghề… Đây là điều khoản không khả thi trên thực tế, làm cho cấp xã không thể hoàn thành thủ tục đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Tổ chức xã hội chưa được xác định là tổ chức nào trong nhiều tổ chức xã hội ở cơ sở hiện nay. Nếu thành lập mới cần điều kiện pháp lý như thế nào? Vấn đề cũng cần đặt ra là bao lâu nữa thông tư liên bộ mới ban hành chính thức về kinh phí hỗ trợ cho tổ chức xã hội hoạt động, đến nay đã gần một năm mà liên Bộ Tài chính - Bộ LĐ-TB&XH mới chỉ lấy ý kiến góp ý. Việc xã hội hóa công việc này dành cho người nghiện ma túy chưa có tổ chức cá nhân nào tham gia nên đối tượng nghiện không có nơi cư trú ổn định, đương nhiên bị bỏ ngỏ từ cấp xã, dẫn đến đối tượng biết luật tỏ ra nhởn nhơ, thách thức cộng đồng, rất nguy hiểm cho xã hội.
- Ông có thể cho biết từ đầu năm tới nay đã đưa được bao nhiêu người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trực thuộc Sở LĐ-TB&XH?
- Như đã trả lời ở câu hỏi trên, vì Luật XLVPHC có nhiều quy định khó thực hiện nên cũng như nhiều tỉnh thành khác, từ đầu năm đến nay Bình Dương chưa đưa được đối tượng nào vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện. Trong khi thời gian trước đây, hàng năm có trên 400 lượt người nghiện được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc Sở LĐ-TB&XH. Cao điểm cuối năm 2013, đối tượng cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - lao động - tạo việc làm tỉnh Bình Dương lên đến 870 (có 50 đối tượng là nữ), thời gian cai nghiện tối đa là 2 năm. Đến tháng 10-2014, số đối tượng ở trung tâm hết thời gian cai nghiện bắt buộc đã đưa về cộng đồng và chỉ còn một nửa so với trước đây, nếu kéo dài thêm nửa năm nữa mà không đưa được con nghiện mới vào vì vướng thủ tục thì những đối tượng còn lại ở trung tâm sẽ về hết vì đủ thời gian. Trong khi ở ngoài cộng đồng xã hội, theo điều tra thống kê ở 91 xã, phường, thị trấn, đến nay có trên 2.300 đối tượng nghiện đang được địa phương lập danh sách theo dõi, quản lý. Đáng chú ý là có đến trên 60% đối tượng là người ngoài tỉnh, không có chỗ ở ổn định, nhiều nhất là ở các huyện, thị phía nam. Hàng trăm đối tượng nghiện nặng, manh động, không nghề nghiệp ổn định rất dễ vi phạm pháp luật. Đây là áp lực rất lớn hiện nay, gây nhiều bức xúc trong cán bộ và nhân dân ở địa phương, làm khó các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở trong quá trình xử lý, quản lý giáo dục. Nhiều vụ phạm pháp hình sự nổi cộm ở Bình Dương có nhiều đối tượng là người nghiện ma túy.
- Là cơ quan quản lý nhà nước về tệ nạn xã hội, tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai đối với người nghiện ma túy, ông có kiến nghị gì để khắc phục những khó khăn hiện nay?
- Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Công an, Tư pháp, cùng Bộ LĐ-TB&XH có thêm các văn bản, thông tư hướng dẫn bổ sung thay thế các điều khoản thiếu khả thi như: Làm rõ “tổ chức xã hội”; quy định về cai nghiện dành cho người chưa thành niên; quy định mới về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại trung tâm, gia đình và ở cộng đồng…
Từ nay đến Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo tham mưu UBND tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, xin Trung ương cho phép Bình Dương có cơ chế đặc thù, linh hoạt trong thời gian nhất định để lập hồ sơ đưa số người nghiện nặng hoặc tái nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tiếp tục triển khai đề án sau cai đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2011; mở rộng, nâng cấp hoạt động của Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh để đủ sức đảm đương nhiệm vụ chữa bệnh, phục hồi, giáo dục dạy nghề, tạo việc làm… sức chứa 1.000 đối tượng; phối hợp cùng ngành y tế bắt đầu triển khai Đề án dùng thuốc thay thế Methadol tại tỉnh Bình Dương theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
- Xin cảm ơn ông!
NHÂN QUANG (thực hiện)