Không để xâm nhập mặn ảnh hưởng đến người dân
(BDO) Nắng nóng kéo dài kết hợp với lượng mưa, nguồn nước xả mặn ít đã khiến cho nước mặn xâm nhập vào đất liền ngày càng nghiêm trọng. Vừa qua, theo thông tin từ Ban Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Thủ Dầu Một thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, Nhà máy nước Thủ Dầu Một đã ngưng lấy nước mặt từ sông Sài Gòn do độ mặn tăng lên cao, độ clorua vượt ngưỡng 400mg/lít. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của khách hàng ở TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An, xí nghiệp đã điều tiết nguồn nước từ Xí nghiệp Cấp nước Dĩ An và Khu liên hợp. Tuy nhiên, Ban Giám đốc xí nghiệp cho biết quá trình tăng áp, điều tiết nước nói trên có thể làm xung động dòng chảy, gây đục cục bộ một số nơi ở nội ô TP.Thủ Dầu Một và các vùng lân cận. Không chỉ Nhà máy nước Thủ Dầu Một bị ảnh hưởng, với độ nhiễm mặn này trên sông Sài Gòn, sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động của Nhà máy nước Tân Hiệp, TP.Hồ Chí Minh và việc tưới tiêu trên diện rộng.
Hệ thống thủy lợi tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: Q.NHIÊN
Đối với tình trạng nhiễm mặn trên sông Đồng Nai, tại cuộc họp về kế hoạch điều tiết nước trong thời gian cao điểm mùa khô 2016, Công ty Thủy điện Trị An và các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh đã thống nhất từ nay đến ngày 30-6 sẽ tiếp tục điều tiết lưu lượng nước tại hồ Trị An cho hạ du giảm mặn. Cụ thể, vào các đợt triều cường cao trong tháng, lượng nước cung cấp là 150m3/giây; các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ là 120m3/giây; các ngày còn lại là 130m3/giây. Nếu có mưa hoặc tình hình khả thi, công ty sẵn sàng tăng lưu lượng điều tiết nước cung cấp cho vùng hạ du.
Từ đầu năm 2016 đến nay, lưu lượng nước về hồ Trị An bị suy giảm. Tổng lượng nước về hồ trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt 480 triệu m3, bằng 53% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 64% trung bình nhiều năm. Ông Nguyễn Văn Đỡ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết ở địa phương, nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu được lấy thông qua hệ thống 4 trạm bơm lấy nước trực tiếp trên sông Đồng Nai và hồ Đá Bàn. Thời gian gần đây, do nắng nóng kéo dài nên lượng nước vào trạm bơm cũng ít đi. Ngoài sử dụng nguồn nước sông trực tiếp, nông dân trong vùng phải tận dụng thêm nguồn nước giếng để tưới tiêu. Tuy nhiên, nếu sử dụng nguồn nước giếng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, do độ phèn có trong nguồn nước.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, dự kiến hồ Đá Bàn kết thúc tưới vụ Đông - Xuân năm nay vào giữa tháng 4. Với lượng nước còn lại, hồ Đá Bàn và hồ Dốc Nhàn chỉ đủ nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông - Xuân, không đủ nước tưới phục vụ sản xuất vụ Hè - Thu năm 2016.
QUỲNH NHIÊN