Không để việc cách ly người về quê ăn Tết 'mỗi nơi một kiểu'

Thứ tư, ngày 19/01/2022

(BDO)

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 7, chiều 18/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội.

Quyết liệt điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á

Trình bày báo cáo tóm tắt, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa,” đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của nhân dân.

Ngoài các nội dung kiến nghị, phản ánh chung về kinh tế-xã hội, cử tri băn khoăn về tình trạng hàng ngàn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản trong thời gian qua ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc.

Cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại những vùng có dịch, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; đảm bảo lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt giữa tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu; phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, dựa vào khoa học-công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã tạo thêm nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp và cả người lao động, nhất là chưa có sự nhất quán trong việc chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động, dẫn đến tình trạng công nhân phải xét nghiệm COVID-19 nhiều lần và đều bị trừ phí xét nghiệm vào lương; tại một số địa phương còn có sự vướng mắc khi thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động mắc COVID-19 điều trị tại nhà, do thiếu “giấy nghỉ ốm.”

Cử tri kiến nghị có biện pháp giải quyết việc chi trả chi phí xét nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động mắc COVID-19 điều trị tại nhà được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa đến cơ chế, chính sách cho cán bộ, y, bác sỹ, người lao động trong ngành y tế trực tiếp làm công tác chống dịch, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, có biện pháp cấp bách để hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế cho công tác chống dịch cấp thiết tại cơ sở và các địa phương hiện nay.

Cử tri nhiều địa phương rất bức xúc trước vụ việc Công ty Việt Á đã nâng khống giá sinh phẩm xét nghiệm COVID-19; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện và CDC một số tỉnh, thành phố nhằm thu lợi nhuận bất chính.

“Đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đang phải dốc toàn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt trong việc điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc và thông tin công khai, rộng rãi cho cử tri,” ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngoài ra, cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với với các trường hợp lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, “thổi giá” bất động sản gây nhiễu loạn thị trường; vi phạm trong việc công bố thông tin, ‘‘bán chui” cổ phiếu làm ảnh hưởng lớn đến sự minh bạch, phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thời gian qua, cử tri rất lo lắng và bức xúc trước tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (đuối nước, ngã từ nhà cao tầng, nổ điện thoại, điện giật...); trẻ em bị mẹ kế, bố dượng, thậm chí bố mẹ đẻ bạo hành; bị xâm hại tình dục; bị sang chấn tâm lý, trầm cảm do áp lực học tập, giãn cách xã hội lâu ngày bị tách khỏi môi trường giáo dục... ngày càng gia tăng, mức độ rất nghiêm trọng, được nhiều báo chí, dư luận xã hội phản ánh.

Cử tri đề nghị cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện đối với trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em.

Tăng cường quản lý, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao báo cáo, cho rằng công tác dân nguyện ngày càng đi vào nền nếp. Cơ bản tán thành với các nội dung được nêu, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị phản ánh thêm một số vấn đề.

Cụ thể, tình hình vận chuyển hàng hóa nông sản đang rất bức xúc, nhưng thời gian gần đây có thêm việc lợi dụng tình trạng dịch bệnh, ùn ứ để nhận hối lộ ở cửa khẩu. “Người nông dân đang rất khó khăn khi không xuất khẩu được hàng hóa, chi phí đổ vào đó rồi mà còn nhẫn tâm nhận hàng trăm triệu đồng/xe. Việc này cần bổ sung đầy đủ, cập nhật trong báo cáo,” ông Tùng nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề cập đến thông tin được báo chí phản ánh nhiều là việc mỗi địa phương thực hiện quy định về việc đón người dân ở các tỉnh về quê ăn Tết rất khác nhau và khác với Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã ban hành.

Theo ông Tùng, quy định của Chính phủ đã nêu rất rõ và yêu cầu thực hiện thống nhất đối với các trường hợp đã tiêm đủ các mũi vaccine, tiêm 1 mũi hay chưa tiêm mũi nào, nhưng thực tế các địa phương mỗi nơi mỗi kiểu, không thống nhất, gây tâm lý e ngại cho những người dân chuẩn bị về quê ăn Tết. "Chính phủ phải quan tâm hơn để chỉ đạo vì Tết nguyên đán đang cận kề và đây là vấn đề người dân rất quan tâm,” ông Tùng nhấn mạnh.

Đề cập đến việc các địa phương có quy định khác nhau trong phòng, chống dịch, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu thực tiễn tại các tỉnh Tây Bắc hiện nay. “Tại mỗi địa phương, thậm chí từ bản này sang bản kia cũng có barie, chưa gỡ vì tính an toàn cao. Điều này đang làm cho đa phần nhóm lao động phi chính thức và cả nhóm lao động có hợp đồng từ miền núi xuống làm việc tại các công trường, các khu sản xuất về quê sớm, vì nếu về quê, họ vẫn phải cách ly 7 ngày. Thậm chí, họ sẵn sàng không được nhận lương, thưởng Tết vì theo phong tục của họ, không về ăn Tết là không được. Chúng ta phải phản ánh để Chính phủ có chỉ đạo tổng thể,” ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung vào báo cáo, đồng thời gợi ý Ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung.

“Ngoài những vấn đề về kinh tế-xã hội, vấn đề liên quan đến ùn tắc hàng hóa nông sản, người dân cũng rất quan tâm. Vừa qua cũng nổi lên vấn đề liên quan đến thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... phải tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường quản lý đối với vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn vệ sinh thực phẩm... “Qua theo dõi phản ánh trên phương tiện thông tin truyền thông cho thấy ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê đón Tết rất khác nhau. Đây là vấn đề rất cấp bách, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm để có cách giải quyết,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022./.

Theo TTXVN

Từ khóa: