Không để cơ sở kinh doanh núp bóng hoạt động “tín dụng đen”
(BDO) Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm “dần loại bỏ hoạt động “tín dụng đen” khỏi đời sống xã hội”.
Một nhóm đối tượng trong đường dây cho vay “tín dụng đen” vừa bị Công an tỉnh triệt xóa. Ảnh: CABD
Nâng cao công tác phòng ngừa
Theo đó, Công an tỉnh tập trung rà soát, lập danh sách các băng nhóm, đối tượng, cơ sở kinh doanh hoạt động “tín dụng đen”, nắm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, từ đó tổ chức đấu tranh có hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về “tín dụng đen”. Chỉ đạo công an cấp huyện triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tăng cường siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, kiên quyết không để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh núp bóng hoạt động “tín dụng đen”.
Xây dựng vững chắc phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm tại xã, phường, thị trấn. Dần loại bỏ hoạt động “tín dụng đen” khỏi đời sống xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, cá nhân đăng ký kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ. Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và quản lý hoạt động của các công ty tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và cơ sở kinh doanh khác có điều kiện thuận lợi cho hoạt động “tín dụng đen” núp bóng hoạt động. Kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm để răn đe, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở, không để núp bóng hoạt động “tín dụng đen”.
Ngoài các giải pháp phòng ngừa, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp Công an tỉnh đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời nạn “tín dụng đen” có liên quan đến công nhân, người lao động để xử lý theo quy định của pháp luật; chủ động nắm chắc tình hình hoạt động “tín dụng đen” liên quan đến công nhân, thường xuyên tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen” và những hệ lụy để người dân nâng cao ý thức cảnh giác; lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn, hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận các nguồn vốn an toàn, ưu đãi…
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Tân Uyên cũng đã bắt tạm giam Lê Văn Quyết (SN 1999, quê Hải Dương) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản. Theo điều tra, Quyết cho một người phụ nữ vay 50 triệu đồng với lãi suất 200%/ năm và buộc người này phải quay lại video clip khỏa thân gửi cho Quyết. Đến khi bị hại không còn khả năng chi trả tiền gốc và lãi thì Quyết sử dụng đoạn video clip trên để đe dọa buộc bị hại trả tiền. |
Tấn công mạnh tội phạm “tín dụng đen”
Theo nhận định, cuối năm, lợi dụng tình trạng một số người gặp khó khăn về tài chính, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” sẽ gia tăng hoạt động. Chính vì vậy, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của loại tội phạm này.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, trong 9 tháng năm 2023, Công an tỉnh đã phát hiện xử lý 6 vụ, khởi tố 12 đối tượng có liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó đã triệt xóa 3 nhóm, 9 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đáng chú ý là trong những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Công an tỉnh liên tiếp triệt xóa các đường dây “tín dụng đen”.
Cụ thể là phối hợp triệt xóa, tạm giữ nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Mạnh (SN 1993, quê Hà Nội, tạm trú tại khu dân cư Việt Sing, phường Thuận Giao, TP.Thuận An) cầm đầu. Mạnh hoạt động cho vay lãi nặng “núp bóng” cơ sở kinh doanh cầm đồ, dưới hình thức công nghệ, kết hợp truyền thống bằng cách lập ra trang web: vaytienmatbinhduong247. com, tạo tài khoản Facebook: F88hotro247 và Facebook cầm đồ Kim Phát để đăng tải các nội dung cho vay, hỗ trợ tài chính. Hiện cơ quan điều tra đã xác định được 49 người vay tiền của nhóm đối tượng Mạnh với tổng số tiền vay khoảng 24 tỷ đồng.
Thực hiện cao điểm tấn công, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cũng đã phát hiện, triệt xóa nhóm đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng do đối tượng Trần Duy Tân (SN 1984) cầm đầu.
Trần Duy Tân và đồng bọn cho nhiều người trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một vay với lãi suất trung bình từ 1 - 1,5%/ngày (tương đương 360 - 547%/năm) và đã thu lợi bất chính số tiền trên 2 tỷ đồng từ việc cho vay lãi nặng.
Cảnh giác với “tín dụng đen” công nghệ Theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, hiện nay tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoạt động theo 3 phương thức chủ yếu là: “Truyền thống”; “Truyền thống kết hợp công nghệ” và phương thức “Công nghệ hoàn toàn”. Đáng chú ý là cho vay theo phương thức “Công nghệ hoàn toàn” hiện khá phổ biến. Các đối tượng lập ra và sử dụng các trang website, ứng dụng điện thoại để công khai quảng cáo hình thức cho vay với thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp CCCD; lãi suất vay bị các đối tượng này lách luật bằng cách tính các khoản phí dịch vụ. Khi người vay không thể trả nợ, các đối tượng sử dụng số điện thoại “rác” gọi điện đe dọa, bêu rếu trên Facebook, khủng bố tinh thần buộc phải liên hệ yêu cầu người vay trả nợ cho chúng dẫn đến tâm lý hoang mang lo sợ cho những người không liên quan như người thân, bạn bè, chủ doanh nghiệp |
THANH QUANG