Không đầu hàng số phận

Thứ năm, ngày 18/04/2019

Dù mất đi bàn chân, đôi tay song ở chú Lê Văn Đức, khu phố Chánh Lộc, phường Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) luôn tin tưởng vào cuộc sống, cố gắng vươn lên khẳng định mình, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

(BDO)

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp chú Lê Văn Đức là đôi mắt sáng ngời của chú như muốn nói với mọi người rằng, chẳng có khó khăn gì mà không vượt qua nếu mình không cố gắng. Rồi chú kể cho chúng tôi nghe về cái ngày xưa có hoàn cảnh khó khăn, những bước vực dậy vươn lên trong cuộc sống cho đến ngày hôm nay.

Trước đây, những năm 90, chú Đức nghèo lắm, đi bộ đội về mất sức lao động đến 61% lại bị cụt mất một chân, khuyết tật, đói khổ, vợ lại mất sức lao động, tưởng như cuộc sống thế là chấm hết. Thế nhưng vì gia đình, vì vợ con chú luôn tự nhủ mình phải cố gắng hơn người bình thường khác. Thế là, chú hay đi đến các công trình để xin đi làm mướn. Làm bất cứ công việc gì cũng được, thế nhưng, đi làm thuê mà khuyết tật thì ai người ta nhận. Thế là chú đành phải “năn nỉ” xin được làm mướn ở các nhà thầu (nhà thầu đứng ra nhận công trình, rồi thuê lại chú làm), hai vợ chồng tính một công bởi chú khuyết tật phải có người làm cùng. Ai thuê việc gì chú đều sẵn lòng làm, miễn sao có tiền chi trả cuộc sống và nuôi con ăn học. Từ việc đào hầm (chú quỳ xuống đào, cô mang đất đi đổ), đến việc bửa củi, rồi đi mua bán phế liệu…

Sau này, gia đình chú được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, thế là chú chuyển sang nghề nấu rượu, chăn nuôi heo. Ban đầu là 3 con heo, sau lên 6 con và sau chú nuôi tới 100 con heo. Trung bình mỗi tháng xuất chuồng một lần, mỗi lần khoảng 30 đến 50 tạ heo thịt, mỗi tạ heo lời từ 200.000 đồng trở lên. Cứ vậy mà chú nuôi heo trong vòng gần 10 năm, cuộc sống gia đình từ đó cũng dần ổn định và khấm khá lên từng ngày. Chú Đức luôn tự nhủ với bản thân mình “tàn nhưng không phế”, phải luôn cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống để khẳng định mình, trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội.

HOÀNG KIM