Không đánh trống bỏ dùi!

Thứ bảy, ngày 16/05/2015

Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) và hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5), Ngày thế giới không thuốc lá (31-5). Văn bản đề nghị các địa phương đưa quy định hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn vào hương ước. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đưa quy định “không hút thuốc lá” tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan.

Chúng ta biết quá rõ tác hại của việc hút hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có hàng ngàn chất độc gây ung thư phổi, thanh quản, dạ dày, gây nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Hậu quả của khói thuốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng để hạn chế và bỏ được thuốc lá lại là điều không dễ dàng. Hiện tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam đang ở mức báo động, khoảng 15,3 triệu người; tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá chiếm gần 60%. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Luật PCTHTL có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Tuy nhiên, sau 2 năm luật này có hiệu lực thực thi thì hầu như việc hút và bán thuốc lá của người dân chưa có gì thay đổi. Trước đó, cuối năm 2009, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông quốc gia về kiểm soát thuốc lá. Và từ ngày 1-1-2010, việc hút thuốc lá tại nơi công cộng bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, lệnh cấm này hầu như không khả thi.

Luật PCTHTL cũng quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện… Ở những địa điểm công cộng cho phép hút thuốc lá, luật yêu cầu thành lập khu vực dành riêng cho người hút thuốc. Luật cũng quy định không được bán, cung cấp thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; thanh tra sở y tế các tỉnh thành, thanh tra Bộ Y tế được phân công làm nhiệm vụ xử phạt người hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thanh tra y tế vừa ít vừa mỏng, vừa nhiều nhiệm vụ thì lấy đâu ra người xử phạt? Việc xử phạt cũng khó tiến hành thường xuyên được, mà chủ yếu là sự tự giác, ý thức pháp luật, hành vi văn hóa của người hút thuốc lá.

Vì vậy, việc quy định xử phạt hành chính của Luật PCTHTL còn mang tính răn đe, giáo dục, không mang yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định để Luật PCTHTL đi vào cuộc sống là cần tăng cường công tác tuyên truyền và vận động để người dân hiểu tác hại của thuốc lá, từ đó có ý thức thực hiện. Và theo nhiều người, mấu chốt của vấn đề là chúng ta cần quyết tâm thực thi luật một cách triệt để, không để tái diễn tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như thời gian qua.

(BDO) NHẬT HUY