Không có tài khoản, người dùng vẫn bị Facebook theo dõi như thế nào
Facebook đăng bài viết mô tả rõ hơn cách thu thập thông tin về người sử dụng Internet dù họ có là thành viên Facebook hay không.
(BDO) Khi điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần trước, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, thừa nhận họ lưu lại một số thông tin ngay cả khi người dùng đã đăng xuất khỏi mạng xã hội, thậm chí theo dõi cả những người không sử dụng hay không đăng ký thành viên trên Facebook. Đầu tuần này, David Baser, Giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook, chia sẻ trên blog công ty: "Khi bạn ghé thăm một trang web, hay một ứng dụng có sử dụng dịch vụ của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp nhận một số thông tin về bạn, ngay cả khi bạn đã thoát khỏi tài khoản cá nhân, hay bạn không hề có tài khoản Facebook. Lý do là các ứng dụng và website này không phân biệt được bạn có đang dùng Facebook hay không". Dù không dùng Facebook, bạn vẫn có thể bị Facebook thu thập một số thông tin như những website, ứng dụng mà bạn đã truy cập... Dưới đây là những công cụ giúp Facebook theo dõi người dùng Internet: Những tiện ích Social plugins: như nút Like, Share được tích hợp trên website, ứng dụng... Công cụ Facebook Login: cho phép người dùng đăng nhập vào những ứng dụng bên thứ ba bằng chính tài khoản Facebook của họ, thay vì họ phải tạo một tài khoản mới trên ứng dụng. Đây cũng chính là công cụ mà giảng viên Kogan khai thác cho ứng dụng tâm lý của ông. Công cụ Facebook Analytics: cho phép chủ sở hữu website biết được người dùng tương tác trên site của họ như thế nào. Các công cụ đo lường và quảng cáo Facebook, trong đó có Facebook Pixel: Pixel là đoạn mã JavaScript mà Facebook cung cấp cho các nhà quảng cáo đặt trên trang web để theo dõi, đo lường và tối ưu hóa, cũng như tạo tệp đối tượng cho chiến dịch quảng cáo của họ. "Nói chung, chúng tôi thu thập thông tin cả về những người không đăng ký tài khoản Facebook vì mục đích bảo mật, ngăn những phần tử xấu thu thập thông tin công khai của người dùng", CEO Facebook nói, nhưng không giải thích chi tiết. Trong khi đó, không ít người tỏ ra thờ ơ, nói dữ liệu của họ toàn những thứ vô thưởng vô phạt, không có gì đáng chú ý để Facebook phải thu thập. Tuy nhiên, các công cụ data mining (đào dữ liệu) sẽ sử dụng các thuật toán để phân tích về danh sách bạn bè của bạn, bạn hay bàn đến vấn đề gì, hay mua sắm những gì, chia sẻ hình ảnh gì, thích ăn món gì, có xu hướng dùng loại ứng dụng hay đọc nội dung tin tức nào, có thường xuyên check-in hay không, đã lập gia đình, có con hay chưa... Từ đó, chân dung trên mạng của bạn sẽ được dựng lên với đầy đủ thói quen, sở thích, tính cách, vị trí địa lý, mối quan hệ... Từ hồ sơ này, bên nắm giữ thông tin sẽ dễ dàng khai thác bạn cho các mục đích khác nhau như quảng cáo mục tiêu, hay như trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ là để hiển thị các nội dung tác động đến tâm lý của cử tri Mỹ... Giữa tháng 3, Facebook bị tố làm rò rỉ thông tin cá nhân của hơn 87 triệu người dùng. Chúng được thu thập bởi giảng viên Aleksandr Kogan và bán cho công ty Cambridge Analytica từ năm 2015. Số dữ liệu này sau đó được cho là có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khiến Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trong hai ngày 10-4 và 11-4. Theo VNE