Không chủ quan với bệnh cúm A/H1pdm

Thứ năm, ngày 05/12/2024

(BDO)  Hiện dịch bệnh cúm A/H1pdm đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Bình Định và đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Tại Bình Dương, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh cúm A/H1pdm, tuy nhiên ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ bản thân, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa.

 

Khám bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng

 Nguy cơ xâm nhập bệnh cúm A/H1pdm

Theo ghi nhận của Sở Y tế tỉnh Bình Định, hiện trên địa bàn đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm. Ngành tiến hành giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, kết quả xét nghiệm có 9 trường hợp dương tính với cúm A/ H1pdm, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong. Các ca bệnh mắc cúm A/H1pdm chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng nhanh trong hai tuần gần đây, có thể tăng ca mắc trong thời gian tới và lây lan các địa phương khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa ghi nhận ca bệnh dương tính với dịch cúm A/H1pdm. Tuy nhiên trước tình hình dịch cúm này diễn biến phức tạp tại Bình Định, Sở Y tế tỉnh Bình Dương giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động giám sát, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh. Hiện trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện lấy mẫu các trường hợp có biểu hiện bất thường, giải trình tự gen để xác định các chủng cúm đang lưu hành, phát hiện sớm các chủng vi rút nguy hiểm và các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

 Ngành y tế khuyến cáo khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế uy tín để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh cúm A/ H1pdm tại các huyện, thành phố, cán bộ phụ trách công tác dự phòng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng cúm, đặc biệt trẻ từ 6 tháng tuổi đến 8 tuổi, người trên 65 tuổi và người có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch.

Bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết bệnh viện đang tiến hành rà soát thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh cúm theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt bệnh viện luôn chú trọng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân; các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại bệnh viện.

“Khi phát hiện trường hợp người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm, bệnh viện áp dụng ngay biện pháp cách ly y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp giám sát, phòng chống dịch bệnh. Bệnh viện tiến hành đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh”, bác sĩ Lê Ngọc Long cho biết thêm.

Chủ động giữ gìn sức khỏe

Liên quan đến chủng cúm A/H1pdm, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết đây là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là Pandemic (pdm). Bệnh thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể có biến chứng nặng gây viêm phổi, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nguy hiểm hơn đối với người có bệnh lý, bệnh nền như: Tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.

Theo khuyến cáo, hiện đang là thời điểm giao mùa, khí hậu rất thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng (nhất là sau khi ho, hắt hơi), không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

 Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1pdm, người bệnh thường có các triệu chứng như sốt (thường sốt nhẹ nhưng có những trường hợp sốt cao 40 độ C), ớn lạnh, đau viêm họng, nhức đầu, đau mình, nhức cơ, ho khan, sổ mũi, mệt mỏi và suy nhược cơ thể. Một số trường hợp có thể tiêu chảy và ói mửa. Các triệu chứng khi nhiễm cúm A/H1pdm dễ gây nhầm lẫn với cảm thông thường hoặc sốt xuất huyết, do đó nên theo dõi sát sức khỏe”.

(Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

 KIM HÀ