Không chủ quan, lơ là trong phòng chống thiên tai

Thứ năm, ngày 06/06/2024

(BDO) Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân. Việc chủ động thực hiện tốt các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) có ý nghĩa quan trọng, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

 Lãnh đạo tỉnh cùng sở, ngành và địa phương kiểm tra các công trình đê bao ven sông Sài Gòn

 Thời tiết diễn biến thất thường

Dự báo từ tháng 7 đến tháng 9-2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm, khoảng 11 đến 13 cơn trên biển Đông, 5 đến 7 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão. Khả năng có 1 đến 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực biển và đất liền Nam bộ. Cùng với đó dự báo mùa mưa kết thúc trong khoảng cuối tháng 11.

Ông Vũ Ngọc Thìn, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, đánh giá công tác PCTT trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Trong năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định, chính sách, kế hoạch trong lĩnh vực PCTT. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức, văn bản, dự án trong lĩnh vực PCTT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

Không chủ quan, lơ là

Bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh. Bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện Trị An và thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt gây khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Quy hoạch đê điều sông Sài Gòn chưa được phê duyệt gây khó khăn cho việc xây dựng phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác PCTT-TKCN, các đơn vị liên quan phải lưu ý đặc điểm tình hình các loại thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh để có cách ứng phó phù hợp. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giao thông kịp thời khi tình trạng mưa lớn xảy ra gây ngập úng, cần có biển báo cảnh báo cho người dân được biết. Các đơn vị thi công, chủ đầu tư và địa phương tiếp tục có sự phối hợp tốt hơn, cần có một đơn vị túc trực các công trình đang thi công để đề phòng khi mùa mưa bão có phương án xử lý kịp thời, hạn chế ngập lụt, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ PCTT-TKCN các cấp trên địa bàn tỉnh đều hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển và thay đổi theo nhiệm kỳ, số lượng ít chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các tuyến đê bao, bờ bao hiện có được thiết kế, xây dựng đã lâu (trên 20 năm) trong điều kiện thời tiết khí tượng thủy văn chưa phức tạp, quy mô công trình, cao trình thiết kế không bảo đảm ngăn lũ, triều cường trong điều kiện hiện nay…

Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Tăng cường công tác cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của cấp chính quyền đến từng ấp, khu phố, người dân, đặc biệt người dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, suối và hạ lưu các hồ chứa để người dân sẵn sàng ứng phó.

Chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do giông, lốc xoáy, sét và mưa đá gây ra trên địa bàn tỉnh trong thời chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh giông, lốc xoáy, sét và mưa đá trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện. Kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên, trường học… để đốn hạ, cắt tỉa nhánh những cây có khả năng gãy đổ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Quán triệt công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương các nội dung, công việc liên quan. Ngành nông nghiệp thường xuyên kiểm tra các hệ thống đê bao, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu… Bố trí nguồn lực để xử lý bảo đảm an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê bao, hồ đập, xả lũ khẩn cấp…

Hiện 91/91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Đội xung kích PCTT và kiện toàn hàng năm, với lực lượng 6.864 thành viên. Đội xung kích PCTT cấp xã là lực lượng chủ chốt tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN theo kế hoạch. Lực lượng này cùng với dân, bám dân, giúp dân PCTT chủ động, kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra. Qua đó đã nâng cao hiệu quả phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

 THOẠI PHƯƠNG