Không chủ quan, lơ là
(BDO) Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xảy ra trong cả nước. Với dịch tả heo châu Phi, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tại 42 tỉnh, thành, buộc phải tiêu hủy 18.110 con heo. Bệnh cúm gia cầm, phát sinh 19 ổ dịch (cúm A H5N1) tại 16 huyện, thị xã của 11 tỉnh, với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy 35.706 con. Bệnh lở mồm long móng, 22 ổ dịch (tuýp O) tại 15 huyện, thị của 11 tỉnh, thành với số gia súc mắc bệnh 760 con. Bệnh viêm da nổi cục, phát sinh 100 ổ dịch tại 15 tỉnh, thành, số gia súc mắc bệnh là 468 con, tiêu hủy 95 con trâu, bò. Bệnh tai xanh, với 5 ổ dịch phát sinh, số lợn chết, tiêu hủy 542 con. Bệnh nhiệt thán, xuất hiện 5 ổ dịch làm 32 con trâu bò mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy...
Trước thực trạng trên, ngành thú y tỉnh đã phối hợp với các địa phương thực hiện tiêm phòng, vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường nhằm hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài ra, ngành thú y còn thực hiện tiêm vắc xin lở mồm long móng trên đàn trâu, bò, heo, tiêm vắc-xin dịch tả cổ điển trên heo, viêm da nổi cục miễn phí tại chăn nuôi quy mô nông hộ...
Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 vẫn rất cao. Các nguyên nhân dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là do thời tiết bất thường, tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm, giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn xảy ra có thể làm phát tán mầm bệnh. Cùng với đó việc chủ quan, lơ là của người chăn nuôi có thể làm dịch bệnh phát sinh.
Vì vậy, ngoài công tác chuyên môn của cơ quan chức năng, các cơ sở, hộ chăn nuôi cần tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và xung quanh có nguy cơ cao, báo cơ quan chức năng để xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
PHƯƠNG ANH