Không cần làm xét nghiệm cúm gia cầm khi không có tiền sử tiếp xúc

Thứ tư, ngày 03/04/2024

(BDO) Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cúm A/ H5N1. Trước thông tin tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận một trường hợp mắc cúm A/H5N1 tử vong, một số người dân trên địa bàn tỉnh lo lắng có thể nhiễm bệnh nên đi làm các xét nghiệm không cần thiết, gây lãng phí.

 Khám, xét nghiệm bệnh liên quan đến đường hô hấp cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên

Không cần thiếtlàm các xét nghiệm

Những ngày gần đây, tại các cơ sở y tế dịch vụ, người dân đến lấy mẫu xét nghiệm cúm tăng đột biến. Chị Nguyễn Hồng Ân, ở TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Mấy ngày gần đây tôi bị sốt, viêm long đường hô hấp muốn đi xét nghiệm cúm để chủ động phòng bệnh”. Không chỉ riêng trường hợp chị Ân mà có rất nhiều người cũng tìm đến các cơ sở y tế dịch vụ để làm xét nghiệm cúm.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Vi rút cúm gồm 4 type: Type A, type B và type C có thể gây bệnh trên người và type D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc. Cúm gia cầm gây ra bởi các chủng cúm A. Cúm A/ H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do vi rút cúm chủng H5N1 gây ra. Hầu hết các trường hợp người nhiễm cúm gia cầm là do lây truyền từ động vật. Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, mặc dù còn tùy thuộc vào chủng vi rút.

Biểu hiện của cúm là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Các triệu chứng này thường gây nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Biểu hiện nặng người bệnh có thể gặp như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.

Xét nghiệm influenza vi rút A B test nhanh giúp phát hiện định tính và phân biệt kháng nguyên vi rút cúm A (bao gồm H5N1 và H1N1) và cúm B trong mẫu bệnh phẩm dịch mũi, họng, dịch tỵ hầu hoặc dịch rửa mũi/tỵ hầu. Trường hợp viêm đường hô hấp, ho, sốt mức độ nhẹ không có tiếp xúc với gia cầm bệnh, ở khu vực không có dịch thì không quá lo lắng, hoang mang, không tự làm xét nghiệm, gây lãng phí không cần thiết. Trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cúm với triệu chứng sốt cao, gai rét, viêm long đường hô hấp có thể biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị.

“Khi có biểu hiện lâm sàng, kèm tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực đang có dịch, kể cả đi du lịch đến các vùng lưu hành cúm gia cầm nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm.

5 biện pháp phòng cúm gia cầm A (H5N1)

Bệnh cúm gia cầm lây sang người A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, ngành y tế tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện 5 biện pháp phòng bệnh. Trước tiên, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, người dân ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Đặc biệt, người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

 Người dân bị viêm đường hô hấp, ho, sốt mức độ nhẹ không có tiếp xúc với gia cầm bệnh, ở khu vực không có dịch thì không quá lo lắng, hoang mang, không tự làm xét nghiệm, gây lãng phí không cần thiết. Khi có biểu hiện lâm sàng, kèm tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực đang có dịch, kể cả đi du lịch đến các vùng lưu hành cúm gia cầm nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời.

 KIM HÀ