Không bảo hiểm vàng, ngoại tệ gửi ngân hàng
Đó là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước VN khi trình dự án Luật bảo hiểm tiền gửi lên Quốc hội sáng 2-11. Theo đó, dự luật chỉ quy định bảo hiểm đối với các khoản gửi bằng đồng nội tệ của cá nhân.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước VN, chúng ta đang hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ VN chỉ sử dụng đồng VN và chống tình trạng đôla hóa. Hơn nữa, nếu quy định bảo hiểm cho tiền gửi ngoại tệ sẽ nảy sinh một loạt vấn đề phức tạp như xác định phí bảo hiểm phải nộp, hạn mức bảo hiểm và chi trả bảo hiểm là bằng ngoại tệ hay nội tệ.
Nếu thực hiện chi trả bằng ngoại tệ có thể dẫn đến khó khăn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc bảo đảm nguồn vốn ngoại tệ cho chi trả. Nếu quy định nộp phí, chi trả bằng đồng nội tệ, việc xác định tỉ giá sẽ như thế nào và tỉ giá tại thời điểm nào... Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế ở hầu hết các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... đều chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ.
Hai quan điểm
Trao đổi với PV, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Cao Sỹ Kiêm ủng hộ quan điểm chống đôla hóa nhưng cho rằng việc không bảo hiểm đối với USD, vàng và các ngoại tệ mạnh khác vào thời điểm này là không thích hợp. “Ở nhiều nước người ta cũng chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với đồng nội tệ, nhưng tất cả các giao dịch trong quốc nội của họ đều bằng nội tệ, các ngoại tệ muốn gửi vào ngân hàng đều phải đổi thành nội tệ. Nhưng ở ta hiện nay vẫn chấp nhận các giao dịch bằng USD, bằng vàng và các ngân hàng vẫn huy động tiền gửi bằng USD. Có người cũng cho rằng nếu không bảo hiểm tiền gửi bằng USD, tình trạng găm giữ USD trong dân lại càng phổ biến hơn. Như vậy, muốn chống đôla hóa phải thực hiện các biện pháp khác trước khi không chấp nhận bảo hiểm tiền gửi bằng USD” - ông Kiêm phân tích.
Trước đó, thẩm định dự án luật này, hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ quan điểm: “Chống đôla hóa nên được hiểu là hạn chế thanh toán bằng ngoại tệ chứ không đồng nghĩa với việc không được gửi giữ, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. Khi Nhà nước đang khuyến khích kiều hối và công nhận tiền gửi ngoại tệ, vàng hợp pháp thì cần phải có biện pháp để bảo vệ lợi ích của người gửi ngoại tệ, vàng và một trong các biện pháp đó chính là cơ chế bảo hiểm đối với các tài sản này”.
Thẩm tra dự án luật, trong Ủy ban Kinh tế cũng chia ra hai quan điểm khác nhau, trong đó loại ý kiến thứ hai “đề nghị nên nghiên cứu áp dụng bảo hiểm tiền gửi đối với loại tiền gửi bằng ngoại tệ và các tài sản khác (như kim loại quý...) phù hợp với tình hình thực tế, vì cho đến nay tại hệ thống tổ chức tín dụng vẫn huy động một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ nhưng không được bảo hiểm tiền gửi”.
Cần chuẩn chất lượng đại học
Về dự án Luật giáo dục đại học, sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đọc tờ trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi đã đọc báo cáo thẩm tra nêu rõ quan điểm của ủy ban. Ủy ban cho rằng luật cần quy định chi tiết về đối tượng và lộ trình cụ thể thực hiện quyền tự chủ, đặc biệt và trước hết là tự chủ trong các hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ.
Bên cạnh đó, “Ủy ban cũng đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục đại học và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà. Theo đó, luật cần quy định chỉ cho phép thực hiện những chương trình đào tạo bảo đảm yêu cầu về chất lượng tối thiểu và khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế về chất lượng giáo dục đại học” - ông Thi nói.
Theo Tuổi Trẻ