Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Thứ năm, ngày 25/03/2010

Di sản của cha mẹ để lại, nhưng đã quá 10 năm mà vẫn chưa chia cho các anh chị em. Nay tất cả muốn chia phần di sản này thì tòa án sẽ giải quyết như thế nào?

NGUYỄN TẤN HÙNG (Phú Hòa, TX.TDM)

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

- Nếu có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thỏa thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

- Còn không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thỏa thuận của họ.

- Không có di chúc và các đồng thừa kế không có thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo ủy quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người đó để đòi lại tài sản.

(Điều 645 BLDS, khoản 2.4 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP).

 

* Tội làm nhục người khác

Hiện nay tình trạng học sinh đánh nhau ngày càng tăng, có cả một nhóm học sinh xúm đánh một học sinh, vì cớ thật là vô lý: vô tình đạp chân hoặc nghe bạn bè khích bác... Như vậy, hành vi của các học sinh đó có vi phạm pháp luật hay không? Pháp luật quy định như thế nào về tội làm nhục người khác và tội này được hiểu như thế nào?

BÙI VĂN TUẤN (Phú Thọ, TX.TDM)

Tội làm nhục người khác được quy định ở Điều 121 BLHS:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo Điều 121 nêu trên, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác được hiểu là làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Hành vi này có hình thức biểu hiện rất đa dạng: dưới dạng lời nói, văn bản hoặc hành vi, cử chỉ nhất định; như lời nói mang tính chất thóa mạ, sỉ nhục, miệt thị, hạ thấp danh dự, chửi bới, nhạo báng, xúc phạm đến nhân phẩm..., bằng hình vẽ, biểu tượng hoặc cử chỉ có tính chất bỉ ổi, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể được thực hiện công khai trước mặt người bị hại hoặc có thể được thực hiện gián tiếp thông qua những người khác để đến người bị hại.

Người phạm tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến thời điểm thực hiện tội phạm từ đủ 16 tuổi trở lên và tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý.

Hành vi các học sinh đánh một học sinh là hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự của người khác và hành vi này nếu thực hiện ở nơi công cộng trước nhiều người trực tiếp chứng kiến là hành vi làm nhục người khác.

Luật gia Xuân Lạc