Khơi thông “điểm nghẽn” trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ hai, ngày 30/10/2023

(BDO) Trong nhiều cuộc họp gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố nâng cao trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên nền tảng số, thực hiện nghiêm việc kết nối dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu

Theo báo cáo nhanh về Chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, DVC theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Bộ chỉ số 766), đến ngày 23-10, Bình Dương đạt 74,23 điểm, xếp hạng 17/63 tỉnh, thành, tăng 5,9 điểm và tăng 17 hạng so với kết quả tháng trước. Tuy xếp hạng tăng nhưng vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hạn, chủ yếu trên hệ thống “một cửa” của bộ, ngành và của tỉnh.

Bộ chỉ số 766 gồm 5 nhóm chỉ số với tổng 100 điểm, trong đó Chỉ số công khai minh bạch (18 điểm), Chỉ số tiến độ, kết quả giải quyết (20 điểm), Chỉ số cung cấp DVC trực tuyến (22 điểm), Chỉ số số hóa hồ sơ (22 điểm) và Chỉ số mức độ hài lòng (18 điểm). Theo đánh giá, Bình Dương đã cơ bản thực hiện được việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho người dân

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn một số “điểm nghẽn” trong công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với một số hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, lĩnh vực về đăng ký kinh doanh, xây dựng, đất đai, lý lịch tư pháp... chưa được hoàn thiện.

Trong các cuộc họp gần đây, UBND tỉnh đã chỉ rõ việc công bố TTHC chưa kịp thời, việc cập nhật, công khai TTHC chưa thường xuyên, chưa đầy đủ, chưa đúng hạn. Việc cung cấp DVC trực tuyến, liên thông, toàn trình chưa đạt mục tiêu đề ra. Số hóa hồ sơ mới dừng lại ở khâu nộp hồ sơ, chưa triển khai ở khâu xử lý và trả kết quả điện tử. Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn thấp. Ngoài ra, hệ thống phần mềm “một cửa” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp và một số phân hệ phần mềm khác vẫn phải sử dụng phần mềm chuyên ngành song song với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh dẫn đến cán bộ, công chức phải mất thời gian xử lý hồ sơ trên nhiều phần mềm.

Tổ công tác cải cách TTHC của tỉnh đã báo cáo, kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tích hợp các CSDL chuyên ngành; chia sẻ, dùng chung dữ liệu nhằm tiết kiệm nguồn lực, sử dụng hiệu quả CSDL, điền tự động CSDL vào eform, giảm thành phần hồ sơ giấy, giảm chi phí tuân thủ TTHC.

Nỗ lực nâng cao thứ hạng

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm nâng cao trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị đã thực hiện nghiêm việc kết nối dữ liệu trên Cổng DVC quốc gia, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Hành chính công tỉnh xử lý hồ sơ treo, lỗi, test trên hệ thống “một cửa” của tỉnh với quyết tâm xử lý hồ sơ quá hạn và việc thực hiện DVC trực tuyến, số hóa hồ sơ.

Các cuộc họp gần đây của UBND tỉnh đã kịp thời nhận diện những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng thành phố thông minh. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành và địa phương, nhất là các tổ chỉ đạo, các đơn vị thường trực ban chỉ đạo tỉnh cần tập trung theo dõi, triển khai thực hiện quyết liệt. Trong đó, chú trọng triển khai theo đúng kế hoạch, đánh giá quá trình triển khai thực hiện, tập trung khơi thông các “điểm nghẽn” và bám sát thực tế để phối hợp giải quyết, bảo đảm đạt kết quả cao nhất.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh mua sắm trang thiết bị phục vụ theo kế hoạch; đề nghị các sở, ngành, địa phương sớm công bố đầy đủ các TTHC, hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ trễ hẹn và nâng cao chất lượng DVC trực tuyến. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị, thành phố tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nâng cao thứ hạng Bộ chỉ số 766. Cụ thể, đến hết tháng 11-2023 phải đạt tối thiểu 80% TTHC được cung cấp DVC trực tuyến; số hóa toàn trình từ đầu vào đến khi trả kết quả để tạo dữ liệu và tái sử dụng dữ liệu hiệu quả. Bình Dương quyết tâm đến hết năm 2023, bảo đảm 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa và 100% hồ sơ đầu vào có giá trị tái sử dụng được số hóa.

Riêng đối với 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06, tỉnh thực hiện hoàn thành ngay số hóa 100% trong việc giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” để người dân không phải khai báo, cung cấp lại; bảo đảm 100% các thành phần hồ sơ đã số hóa kết quả đầu ra, được ký số đưa vào kho dữ liệu số hóa cá nhân và các CSDL Đề án 06 được sử dụng trong tiếp nhận hồ sơ đầu vào. Bên cạnh đó là bảo đảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn luôn đạt trên 98%; 100% hồ sơ TTHC được cập nhật thông tin tiến trình xử lý trên Cổng DVC quốc gia và ghi nhận trong Bộ chỉ số 766…

Theo báo cáo nhanh về Chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, DVC theo thời gian thực trên môi trường điện tử, đến ngày 23-10, Bình Dương đạt 74,23 điểm, xếp hạng 17/63 tỉnh, thành, tăng 5,9 điểm và tăng 17 hạng so với kết quả tháng trước…

HỒ VĂN