Khơi thông điểm nghẽn, tận dụng tốt các FTA

Thứ hai, ngày 25/11/2024

(BDO) Thời gian qua, Bình Dương đã xuất siêu sang nhiều thị trường ký kết, thực hiện Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thì doanh nghiệp trong nước còn có nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương

 Còn nhiều vướng mắc

Theo đánh giá mới đây của Bộ Công thương về tình hình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và FTA Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), mặc dù các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực được triển khai thường xuyên tại các địa phương nhưng phần lớn những hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của các địa phương, không dành riêng cho việc thực thi một FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của từng địa phương.

Đồng tình với đánh giá của Bộ Công thương, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh cho rằng các chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy tối đa hiệu quả. Các hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin cũng như kết nối thương mại tại các thị trường tham gia EVFTA, CPTPP và UKVFTA dù được đẩy mạnh nhưng chưa tháo được điểm nghẽn đáp ứng yêu cầu của DN.

Theo bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, DN nhỏ và vừa gặp nhiều thách thức khi đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đến khi triển khai trong thực tế lại vướng mắc bởi nhiều lý do. Đơn cử như việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% quy trình thủ tục quá phức tạp, để được vay vốn hỗ trợ DN phải hạch toán độc lập với nguồn vốn DN và số tiền vay này chỉ hỗ trợ cho các nội dung của gói 2% mà không được làm việc khác. Trong khi hạch toán riêng đòi hỏi có cả một bộ máy kế toán…

Đối với DN ngành gỗ, bà Đỗ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên), cho biết tham gia FTA khi thuế giảm về 0% hoặc ở mức rất thấp, các nước thành viên sẽ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn cao đối với hàng nhập khẩu, tạo nhiều rào cản kỹ thuật. Với thị trường Liên minh châu Âu, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này, trước hết chúng ta phải nắm bắt được khách hàng yêu cầu gì, DN phải xây dựng kế hoạch, phải ứng dụng chuyển đổi số để theo dõi sự tăng trưởng của cây trồng hay vật nuôi theo dõi hàng ngày.

Cần giải pháp tổng thể

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, chia sẻ hiện nay sản phẩm thời trang của ngành dệt may xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, được người tiêu dùng các nước biết đến và ưa chuộng. Với việc nước ta tham gia nhiều FTA là cơ hội để mở cửa thị trường xuất khẩu hàng hóa, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, phía DN cần được hỗ trợ các giải pháp tổng thể, định hướng cho DN trong quá trình phát triển bền vững, từ việc xây dựng tiêu chí xanh cho đến toàn bộ quá trình, chương trình để thực hiện; hỗ trợ các DN nâng cao nội lực cả về nguồn lực cũng như nhân lực.

Bà Trương Thúy Liên cho biết công nghiệp da giày là ngành hội nhập rất lớn. Trước đây, yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra, nhưng hiện nay đã được luật hóa. Với ngành công nghiệp da giày, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Liên minh châu Âu… đòi hỏi sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn rất cao.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA. Tư duy của hệ sinh thái này chính là kết nối tất cả các chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị. Hệ sinh thái này trước mắt sẽ tập trung vào 6 ngành: Dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, quế và điều, với mục tiêu đưa các chủ thể và tận dụng tối đa sức mạnh của các chủ thể để từ đó có được các định hướng trọng tâm để tận dụng tối đa cơ hội các FTA.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhấn mạnh để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh việc tận dụng lợi thế từ các FTA, trong thời gian tới ngành công thương nỗ lực hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, các biện pháp và giải pháp, chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt khối DN vừa và nhỏ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành công thương thực hiện đó là xây dựng các chương trình hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thông qua xúc tiến thương mại, kết nối với các DN vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị, tín dụng…

 Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương: Dự kiến tháng 9-2025, hệ sinh thái tận dụng FTA có thể đi vào cuộc sống. Kỳ vọng, khi đó những vướng mắc trong khai thác cơ hội từ các FTA phần nào được giải quyết. Hệ sinh thái được ban hành sẽ huy động nguồn lực từ các bộ, ngành, hiệp hội, tạo sự tập trung nguồn lực khai thác FTA hiệu quả hơn.           

 TIỂU MY