Khởi sắc nông thôn mới

Thứ hai, ngày 08/02/2021

(BDO) Mùa xuân Tân Sửu 2021, chắc hẳn là một mùa xuân đầy niềm vui và hy vọng cho những người dân ở các vùng nông thôn mới (NTM), đánh dấu một bước ngoặt cho sự phát triển, sự chuyển mình ý nghĩa.


Diện mạo NTM ở xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên hôm nay

Sung túc

Tết Nguyên đán năm nay, ở khắp các địa bàn dân cư vùng nông thôn của huyện Dầu Tiếng, cuộc sống của người dân có sự thay đổi vượt bậc. Niềm vui như được nhân lên trong từng gia đình nơi vùng quê này khi họ được chứng kiến quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Thành quả đó cũng là do chính công sức của từng người dân nơi đây chung tay góp phần xây dựng nên. Cùng với huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Dầu Tiếng đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng trở thành huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Trong tiết trời ấm áp của những ngày cuối năm, chúng tôi về xã Thanh An - xã đầu tiên của tỉnh được công nhận NTM nâng cao, để tận mắt trông thấy sự thay đổi rõ nét của một vùng quê. Đối với người dân nơi đây, tết năm nay có phần sung túc hơn, vì với chủ trương xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, không chỉ làm cho kinh tế của các hộ gia đình ngày một phát triển ổn định mà còn làm cho bộ mặt nông thôn ở địa phương ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Những con đường giao thông từ trung tâm xã đến các ấp và từng khu dân cư trong xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cuộc sống no ấm hiện rõ trong từng mái nhà.

Ông Nguyễn Thành Dự, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết cấp ủy, chính quyền xã xác định “đạt chuẩn” không có nghĩa là dừng lại, thời gian qua xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu quan điểm, mục tiêu, nội dung xây dựng NTM nâng cao, chủ động thực hiện lồng ghép nguồn hỗ trợ để đầu tư phát triển. Địa phương sẽ tiếp tục phát triển nền nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, dịch vụ nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Hướng tới hiện đại, giàu có

Quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan. Chương trình đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của khu vực nông thôn. Đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh trong việc tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn bên cạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

“Quả ngọt” từ chương trình xây dựng NTM là đến nay đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM năm 2020 đạt 60 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp trong nông thôn phát triển mạnh, đã hình thành các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị như: VSIP 2, Bàu Bàng, Nam Tân Uyên... thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Mục tiêu chung của chương trình xây dựng NTM của tỉnh là tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; dân trí ngày càng được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng nâng cao.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được, UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách, như: Nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất y tế, văn hóa, trường học… để xây dựng môi trường sống văn minh, xanh, sạch, đẹp, hướng đến NTM văn minh, hiện đại và giàu có.

Mục tiêu đến năm 2025, Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện nước, trường học, trạm y tế) bảo đảm tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

THOẠI PHƯƠNG