Khôi phục vườn cây, phát triển du lịch sinh thái
(BDO) Với mong muốn xây dựng lại thương hiệu vườn cây ăn trái Lái Thiêu, giữ gìn vùng sinh thái cho đô thị Thuận An, những năm qua UBND tỉnh và UBND TP.Thuận An đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân là chủ vườn cây ăn trái đặc sản trên địa bàn. Đồng thời tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” nhằm tạo điều kiện để Thuận An đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn gắn với hoạt động kinh doanh du lịch, du lịch ven sông.
Những vườn cây trái đặc sản Thuận An luôn thu hút đông du khách gần xa
Nhiều chính sách hỗ trợ
Chúng tôi trở về thăm Cầu Ngang khi mùa trái chín từ những vườn cây ăn trái quanh vùng bắt đầu vào vụ. Chạy dọc theo rạch Vàm Búng, mùi hương nồng nàn của măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ… từ vườn cây như níu giữ bước chân lữ khách. Không gian “văn hóa miệt vườn” đã tạo nên nét độc đáo riêng có cho vùng đất này, trở thành một định danh du lịch nổi tiếng đi vào thơ ca, nhạc họa, gợi nhớ trong lòng bao người đã từng một lần ghé thăm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hưng Định, cho biết: “Hưng Định làphường nông nghiệp, chuyên canh vườn cây ăn trái, cóhệthống kênh rạch tiếp giáp với sông Sài Gòn. Thời gian qua, cùng với các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người dân nơi đây, phường đã triển khai phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái và đạt được một số kết quả. Nổi bật nhất là vực dậy được khu du lịch Cầu Ngang đã từng nổi tiếng một thời, đồng thời giúp cho các hộ nhà vườn tiêu thụ được nông sản với giá cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân”.
Hiện nay, trên địa bàn phường Hưng Định có 4 nhà vườn đang kinh doanh mô hình vườn sinh thái hiệu quả ở khu phố Hưng Thọ, gồm vườn cây Bé Hai, vườn cây Hồng Vân, vườn cây 99 và vườn cây Ba Tâm. Ông Nguyễn Văn Dội, chủ nhà vườn 99, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cây ăn trái từ thời cha ông. Vườn cây gia đình có diện tích gần 2 ha với nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, dâu... trong đó có những cây măng đã hơn cả trăm tuổi. Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước người dân chúng tôi có điều kiện cải tạo vườn cây xanh tốt hơn, cho năng suất và chất lượng cao và giữ được thương hiệu vườn cây ăn trái Lái Thiêu. Bên cạnh đó, mô hình du lịch sinh thái nhà vườn đã dần được khôi phục và phát triển, tăng thu nhập cho nhà vườn”.
Kỳ vọng vào sự phát triển thuận lợi, ông Dội cho biết gia đình ông đã đầu tư sửa chữa các nhà chòi phục vụ du khách đến vườn tham quan, thưởng thức trái cây đặc sản và món ăn miệt vườn như gỏi gà măng cụt Lái Thiêu. Hiện nhà vườn của ông đã sẵn sàng đón khách du lịch đến tham quan trong dịp lễ 30-4 và 1-5 này.
Trên địa bàn TP.Thuận An hiện có diện tích hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái, trải dài trên địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn gồm Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn. Trong đó số lượng cây măng cụt trên 50 năm tuổi chiếm 11% số lượng cây măng cụt trên địa bàn. Trong những năm qua, vườn cây ăn trái đã có biểu hiện sụt giảm về năng suất, chất lượng. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 63/2016/QĐ- UBND ngày 20- 12-2016 về chính sách hỗ trợ phát triển vườn cây giai đoạn 2017-2021. Ông Trương Công Thạch, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Thuận An, cho biết: “Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp nông dân ý thức được trách nhiệm với vườn cây ăn trái đặc sản truyền thống, đáp ứng được sự mong đợi của nhiều hộ dân và góp phần phục hồi vườn cây, cải thiện được đời sống cho nông dân”.
Ông Trương Công Thạch, cho biết thêm ngoài chính sách trên, UBND tỉnh và TP.Thuận An còn nghiên cứu tìm biện pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng để giữ được vườn cây và tăng thu nhập cho nông dân. Hàng năm, địa phương đều có kế hoạch tổ chức nạo vét, khai thông dòng chảy hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt. Song song đó, TP.Thuận An cũng thực hiện đồng bộ 4 khâu sản xuất, thu mua, chế biến - bảo quản và tiêu thụ với chương trình liên kết “4 nhà”. Trong đó vai trò của Nhà nước là “cầu nối” để liên kết các nhà còn lại; đồng thời tổ chức phát động phong trào sản xuất để thu hút nông dân các xã, phường ven sông Sài Gòn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vườn cây, tham gia đăng ký xây dựng phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” để tăng giá trị sản phẩm trái cây đặc sản.
Duy trì lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”
Từ bao năm, Thuận An đã được nhiều người biết đến là một địa danh nổi tiếng với nhiều loại cây trái miền nhiệt đới thơm ngon, tuổi đời lên tới 200 năm. Trong những năm trở lại đây, vườn trái cây Lái Thiêu đã được xem là một địa điểm dã ngoại lý tưởng. Với mong muốn xây dựng lại thương hiệu vườn cây ăn trái Lái Thiêu, một địa danh đã đi vào tiềm thức của nhiều du khách khi đến Bình Dương, đồng thời xây dựng, giữ gìn vùng sinh thái cho đô thị Thuận An, nhiều năm qua TP.Thuận An đã tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”. Qua đó, tạo điều kiện để Thuận An đẩy mạnh việc phát triển kinh tế vườn gắn với hoạt động kinh doanh du lịch.
Ông Nguyễn Tứ Hải, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin TP.Thuận An, cho biết: “Từ năm 2013, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND TP.Thuận An tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” tại khu vực Cầu Ngang thuộc phường Hưng Định, vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch). Lễ hội mùa trái chín được tổ chức đã khôi phục lại được giá trị của thương hiệu nhà vườn. Thông qua các hoạt động của lễ hội đã góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi, thưởng thức các loại trái ngon quả ngọt và những món ăn đặc sản của vùng đất Bình Dương, đồng thời quảng bá hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu”.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế ven sông, khai thác hết các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt về du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch ven sông, thời gian tới TP.Thuận An sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm du lịch mới khu vực vườn cây ăn trái Lái Thiêu. Duy trì tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” để thu hút du khách đến các điểm tham quan vườn cây ăn trái tại khu vực Cầu Ngang và các vùng trái cây lân cận, hướng tới hình thành thương hiệu du lịch lễ hội của địa phương.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường liên kết và phát triển nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ du khách; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, các đơn vị kinh doanh lữ hành để liên kết tạo ra những sản phẩm du lịch; gắn du lịch sinh thái (du lịch miệt vườn, du lịch sông nước) với du lịch văn hóa (tham quan di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh, tín ngưỡng), du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm (tại nhà hàng Phương Nam, Dìn Ký, An Lâm River Resort, Minh Sáng Plaza, Siêu thị Aeon) hoặc có thể kết hợp các sản phẩm du lịch nêu trên thành tour tham quan du lịch. Ngoài ra, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt để kết nối với các tour, tuyến tham quan bằng phương tiện tàu, thuyền trên sông Sài Gòn; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư mô hình nghỉ dưỡng Homestay tại khu vực xã An Sơn, phường Hưng Định, phường An Thạnh theo hình thức xã hội hóa.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An: “Thông qua lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”, UBND TP.Thuận An mong muốn các ngành chức năng của đị a phương tăng cường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà vườn để chung tay góp sức khôi phục lại thương hiệu khu du lịch Cầu Ngang - Lái Thiêu nổi tiếng trước đây, đồng thời xây dựng hình ảnh thân thiện, nhiệt tình trong lòng du khách, từ đó thu hút nhiều hơn lượng khách đến nhà vườn tham quan, thưởng ngoạn”. Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm: “Chính sách hỗ trợ giữ vững và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản cùng với các mô hình nông nghiệp đô thị - nông nghi ệp công nghệ cao tạo điều kiện cho nhân dân từng bước phục hồi vườn cây ăn trái đặc sản, góp phần phát triển du lịch sinh thái theo đúng định hướng, thúc đẩy kinh tế nông nghi ệp phát triển, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân”. |
PHƯƠNG LÊ