Khôi phục thương hiệu du lịch Cầu Ngang - Lái Thiêu

Thứ ba, ngày 04/06/2019

(BDO) Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2109 đã chính thức khai diễn vào tối 1-6 vừa qua. Với chủ đề “Cầu Ngang mùa hẹn”, lễ hội năm nay diễn ra nhiều hoạt động phong phú, như: Hội thi hương sắc miệt vườn, hội chợ trái cây và giống cây trồng, ẩm thực Nam bộ, hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch, trưng bày tác phẩm tạo hình nghệ thuật từ hoa trái, giới thiệu nghề truyền thống gốm sứ và làm heo đất thủ công. Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách thập phương còn được thưởng thức liên hoan giao lưu đờn ca tài tử - chặp cải lương, hội thi xuồng ba lá…

Xuyên suốt trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách còn được thưởng thức những loại trái cây đặc sản nơi đây như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng; các món ăn chế biến từ trái cây như: Gỏi măng cụt, gà nướng sầu riêng…

Nằm ven sông Sài Gòn, cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Dương khoảng 10km về phía nam và cách TP.Hồ Chí Minh chừng 20km về phía bắc, Lái Thiêu - Cầu Ngang từng được biết đến là một địa danh nổi tiếng từ hàng trăm năm với nhiều loại cây trái miền nhiệt đới thơm ngon như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, chôm chôm, dâu… các vườn cây nối vườn cây trải dài hàng cây số qua các phường Lái Thiêu, An Thạnh, Vĩnh Phú và các phường Bình Nhâm, Hưng Định, xã An Sơn… với tổng diện tích trồng cây đến 1.230 ha, trong đó nhiều và tập trung nhất là xã An Sơn với hơn 400 ha. Với thổ nhưỡng thuận lợi, cây cối tốt tươi, vườn cây ăn trái Lái Thiêu trở thành điểm du lịch xanh. Hàng năm, khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa trái cây chín rộ, du khách ghé vườn cây trái Lái Thiêu dù tham quan hay nghỉ ngơi đều được tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên nơi đây.

Tiếp nối thành công của những lần tổ chức trước, lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” lần này là một sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng của Thuận An nhằm giới thiệu hình ảnh đất và người nơi đây trở nên thân thuộc với du khách trong và ngoài nước. Hiệu ứng lan tỏa từ lễ hội còn góp phần xây dựng và duy trì hình ảnh tươi đẹp của vườn cây ăn trái Lái Thiêu, gìn giữ vùng sinh thái cho đô thị Thuận An; khôi phục thương hiệu du lịch Cầu Ngang - Lái Thiêu một thời nổi tiếng với du khách gần xa; đồng thời tăng cường quảng bá vùng sinh thái vườn. Tuy nhiên, để khôi phục thương hiệu du lịch Cầu Ngang - Lái Thiêu, cần phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể của địa phương, để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phát triển đúng hướng, phát huy được thế mạnh loại hình du lịch sinh thái vườn riêng có của thành phố Thuận An trong tương lai.

 NHẬT HUY