Khởi nghiệp thành công!
(BDO) Sử dụng thực phẩm an toàn luôn được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, trên thị trường vẫn còn nhan nhản thực phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng trăn trở với nỗi lo chung của người dân, nhóm sinh viên của trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một đã nghiên cứu và thực hiện Dự án “Kit thử nhanh formol trong thực phẩm”. Dự án này vừa đạt giải ba cuộc thi SV.Starup-2019, do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức.
Để đi đến thành công, các em đã miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của nhà trường
Giấc mơ khởi nghiệp
Nhắc lại thành công của các em ở cuộc thi trên, cô Trương Thị Thủy Tiên, Giám đốc Trung tâm Thị trường lao động và Khởi nghiệp trường ĐH Thủ Dầu Một vẫn còn lâng lâng cảm xúc vui sướng. Cô nói, bước ra sân chơi lớn, sinh viên của trường đã thể hiện được khả năng, sự tự tin qua những tháng năm được tôi luyện tại trường. Thật vinh hạnh khi sinh viên trường đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng tham gia triển lãm sản phẩm, dự thi với các trường ĐH lớn trong cả nước. Sau 2 vòng thi căng thẳng, kịch liệt và hồi hộp, dự án đã vinh dự lọt vào top 10 của cuộc thi. Dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng giám khảo là những doanh nhân có uy tín, những nhà kinh tế lớn và những doanh nghiệp tiềm năng có khả năng đầu tư vào những dự án khởi nghiệp của cuộc thi, dự án của các em đã đạt giải 3 vòng chung kết.
“Tôi nhớ mãi nhận xét của Hội đồng giám khảo: Sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một rất tự tin. Các bạn đã biết marketing cho trường, các bạn đã thể hiện được bản lĩnh của một sinh viên ở trường địa phương nhưng đã đem được tiếng nói của mình để nói lên ý tưởng, khả năng của các bạn và hiện thực hóa ý tưởng dưới sự dìu dắt của thầy cô trong hoạt động khởi nghiệp, giúp cho các bạn ngày càng trưởng thành hơn”. (Cô Trương Thị Thủy Tiên, Giám đốc Trung tâm Thị trường lao động và Khởi nghiệp trường ĐH Thủ Dầu Một) |
5 bạn trong nhóm thực hiện dự án đến từ nhiều khoa ngành khác nhau, các em có cùng đam mê nghiên cứu khoa học. Đó là các em: Dương Hoàng Anh và Trần Thị Ngọc Liên cùng học ngành hóa học phân tích, Hoàng Phương Linh học ngành kế toán, Phạm Chí Trọng học ngành marketing và Phạm Thị Bình Yên học ngành tài chính ngân hàng.
Các em trong nhóm nói đùa, “cha đẻ” của dự án này là 2 bạn: Dương Hoàng Anh và Trần Thị Ngọc Liên. Từ khi các em hình thành ý tưởng đến khi cho ra sản phẩm cũng lắm gian nan. Các em đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu, thử nghiệm, nếm mùi thất bại nhưng các em không lùi bước và đồng lòng thể hiện niềm tin chiến thắng, để rồi một ngày các em đứng trên đỉnh cao vinh quang của trí tuệ. “Sau giờ học, các em cùng nhau đến phòng thí nghiệm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, quên cả ăn uống, có những lúc các em bước ra khỏi phòng thì sân trường đã vắng hoe”, Ngọc Liên cho hay.
Khó khăn các em gặp phải trong thời gian nghiên cứu là tìm kiếm mẫu mã đựng dung dịch và để có sản phẩm hoàn hảo, các em phải nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần để có công thức phù hợp. Từ những kiến thức được thầy cô trang bị, các em đã vận dụng hiệu quả, kết quả dự án khởi nghiệp của các em đã gây được tiếng vang trong cuộc thi SV.Starup-2019 vừa qua.
Vì sức khỏe của người tiêu dùng
Theo bạn Hoàng Anh, ý tưởng chính của dự án là xây dựng mô hình kinh doanh kit thử nhanh formol trong thực phẩm. Bộ sản phẩm gồm 30 test và một thang màu bán định lượng kèm theo hướng dẫn sử dụng phát hiện nhanh thực phẩm nhiễm formol… sản phẩm dễ sử dụng, giá thành tham khảo khoảng 350.000 đồng theo giá sỉ… Bộ xét nghiệm nhanh formol trong thực phẩm của nhóm nghiên cứu hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí khắt khe mà thị trường yêu cầu. Chí Trọng cũng nhìn nhận: “Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người. Theo số liệu của Bộ Y tế mà chúng em đã cập nhật, Việt Nam có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất, một trong những nguyên nhân là do ăn uống. Với sản phẩm này, các em mong muốn góp phần bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các loại thực phẩm sạch và an toàn. Còn đối với tổ chức cung cấp thực phẩm, chúng em mong dự án góp phần bảo đảm sức khỏe của khách hàng và bảo đảm uy tín cho tổ chức đối với khách hàng về tiêu chí an toàn thực phẩm”.
Các thành viên trong nhóm cùng trao đổi về bộ sản phẩm “Kit thử nhanh formol trong thực phẩm”
“Theo nghiên cứu của nhóm, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có bán nhiều loại kit thử nhanh, chủ yếu là các loại kit ngoại, kit nội tương tự dành cho người tiêu dùng chưa nhiều. Các loại kit ngoại thì chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam, khi sử dụng phải đong đo hóa chất từ các lọ nhỏ đóng sẵn, vì vậy không loại trừ được sai số chủ quan do người sử dụng gây ra”, Chí Trọng đã nhận xét như vậy. Theo Trọng, ưu điểm của sản phẩm là độ nhạy và chính xác cao, thời gian phát hiện sự có mặt của formol ngắn, phương pháp xử lý mẫu đơn giản, nhanh, dễ sử dụng cho người tiêu dùng, giá bán phù hợp và cạnh tranh so với các đối thủ trong nước và ngoài nước.
Với khát vọng khởi nghiệp, các em còn tính toán kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong tương lai. Như những nhà doanh nghiệp thực thụ, các sinh viên cũng tính đến giải pháp xây dựng các kênh phân phối, việc phát triển và mở rộng thị trường cũng được các sinh viên tính đến. Thị trường mục tiêu của các em là tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam có tỷ lệ ô nhiễm thực phẩm cao như: TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội… Các em định vị sản phẩm S-Kit không chỉ đơn thuần là một sản phẩm dùng để kiểm tra hàm lượng formol trong thực phẩm mà còn khẳng định chất lượng, tính vượt trội, ưu việt hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh.
Bằng sự nghiêm túc, Chí Trọng nói: “Các em còn có khát vọng xây dựng một công ty sản xuất kit thử nhanh các chất độc hại trong thực phẩm mang thương hiệu Việt Nam và phù hợp với điều kiện kinh tế của người Việt Nam hiện tại. Với thông điệp truyền thông: “S-Kit - An toàn cho mọi bữa ăn”, Công ty S-Kit mong muốn người tiêu dùng có niềm tin về chất lượng của dòng sản phẩm kit thử formol; đồng thời tăng tỷ lệ người tiêu dùng tin tưởng vào tính vượt trội, ưu việt hơn các sản phẩm cùng dòng khác của sản phẩm kit thử formol. Đối với ngành chức năng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi nghĩ bộ sản phẩm giúp phát hiện nhanh các thực phẩm có chứa formol, kịp thời xử lý các loại thực phẩm có chứa hàm lượng formol gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng”.
Các em chia sẻ, để có được thành công trên, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà trường, giảng viên hướng dẫn, thầy cô ở các khoa. Các thầy cô đã chắp cánh ước mơ khởi nghiệp cho các sinh viên, từ kết quả cuộc thi của nhóm đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê để sinh viên nhà trường tích cực nghiên cứu khoa học và mạnh dạn khởi nghiệp.
ÁNH SÁNG