Khởi nghĩa Nam Kỳ: Khát vọng tự do, hòa bình, phát triển
(BDO)
Phát huy tinh thần và những bài học trong Nam kỳ khởi nghĩa, Bình Dương hôm nay đã và đang thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa vươn lên trở thành một trong những tỉnh thành dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước. Trong ảnh: Một góc TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Bài học lớn
Diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng khởi nghĩa Nam kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam kỳ năm 1867 đến thời điểm đó. Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa Nam kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”.
Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam bộ cũng như nhân dân cả nước nói chung trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì lẽ đó, ngày 14-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 163- SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940. Đó là sự khắc ghi đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam kỳ.
Từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, nhiều cán bộ của Đảng được rèn luyện, thử thách. Sau khởi nghĩa, đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau. Từ đây, có hàng vạn quần chúng nhân dân yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục đi theo Ðảng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.
Khởi nghĩa Nam kỳ cũng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta hoàn thiện con đường chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam kỳ, binh biến Ðô Lương, Đảng đã có những bước đi cẩn trọng, chu đáo trong đánh giá, xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng... đi tới giải phóng toàn dân tộc.
Khởi nghĩa Nam kỳ là thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và để lại những bài học quý báu. Đó là bài học về cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, phải đặt địa phương trong mối tương quan với cả nước và có sự phối hợp khởi nghĩa giữa các địa phương trong cả nước.
Một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ được phân tích là vì chưa được đặt trong sức mạnh chung của toàn quốc. Bài học về công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho một cuộc khởi nghĩa nổ ra có thể giành được thắng lợi, đặc biệt là chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng và kiểm tra kế hoạch, phát hiệu lệnh khởi nghĩa. Bài học về xây dựng đội quân chủ lực, xác định rõ các lực lượng phối hợp của cuộc khởi nghĩa và đánh giá đúng vai trò của các lực lượng. Lực lượng vũ trang là quan trọng nhưng quyết định vẫn là quần chúng công nông; đồng thời coi trọng việc giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng; không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm, hiệp lực của quần chúng. Đó còn là bài học về tính khoa học của kế hoạch lãnh đạo khi tiến công và thoái thủ; dự trù các phương án thắng - thua và khả năng giải quyết nếu khởi nghĩa thất bại; kế hoạch rút lui bảo toàn cơ sở và lực lượng.
Khát vọng
Kỷ niệm 80 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa diễn ra vào thời điểm toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Phát huy tinh thần Nam kỳ khởi nghĩa, trong suốt chặng đường gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước và sau 23 năm tái lập tỉnh, với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, biết tận dụng, nắm bắt thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tốt mọi nguồn lực và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã lãnh đạo nhân dân địa phương tạo nên những “kỳ tích” đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, giai đoạn 2015- 2020, các chủ trương lớn và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 (về phát triển đô thị, về huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, về phát triển dịch vụ chất lượng cao và về nguồn nhân lực) được Đảng bộ tỉnh Bình Dương tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Kinh tế của tỉnh trong nhiều năm qua luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế (GRDP) năm 2020 là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 66,53% - 22,78% - 2,51% - 8,18% (nghị quyết 63,2% - 26% - 3% - 7,8%). Thu ngân sách tăng 11,2%/năm (nghị quyết 8,9%/năm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2020 chiếm 35% GRDP (nghị quyết 35%). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82% (nghị quyết 82%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 11,51 tỷ đô la Mỹ (nghị quyết 7 tỷ đô la Mỹ). GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng vào năm 2020 (nghị quyết 142,6 triệu đồng). Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Các chính sách, giải pháp về nhà ở, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội và giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt. Bình Dương đang thuộc nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu, thành công trong sự nghiệp đổi mới của cả nước.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng. Dân chủ trong Đảng tiếp tục được mở rộng, công tác tự phê bình và phê bình có nhiều chuyển biến tích cực; có nhiều đổi mới trong công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tiếp tục được quan tâm. Công tác chính sách cán bộ được thực hiện tốt. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chỉ đạo thực hiện nghiêm. Công tác bảo vệ nền tảng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường. Xây dựng Đảng về đạo đức được chú trọng, đặc biệt coi trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Với khát vọng vươn xa, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước…
THU THẢO