Khơi mạch nguồn thông hồn cốt dân tộc
Hơn 300 năm lịch sử, trên mảnh đất Bình Dương đã hình thành, duy trì và phát triển nhiều di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quý giá, là hồn cốt của dân tộc. Một số DSVH phi vật thể đang hiện diện trên đất Bình Dương ngày nay đã được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia, DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó chính là những mạch nguồn đã được tạo ra, khơi thông và vẫn đang âm thầm chảy mãi trong đời sống văn hóa bao thế hệ người dân nơi này.
Các nghi thức tái hiện “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” tại lễ công bố danh mục DSVH phi vật thể quốc gia
Nhắc đến Bình Dương bây giờ, ai cũng biết đây là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, những nhà máy, xí nghiệp hiện diện ở khắp mọi nơi. Kỳ tích phát triển của Bình Dương hôm nay là kết quả của các thế hệ đi trước đã chắt chiu dựng xây và đang được thế hệ đi sau tiếp nối phát triển. Trong quá trình đó, các thế hệ người dân trên đất Bình Dương còn sáng tạo, để lại cho đời sau nhiều DSVH phi vật thể quý báu.
Dù còn khiêm tốn, nhưng đến nay, Bình Dương đã có 5 DSVH phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: “Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp”, “Nghề gốm ở Bình Dương”, “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà”, “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” và “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”. Bình Dương còn tự hào là một trong những địa phương có 2 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh, đó là “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho rằng việc các DSVH phi vật thể của tỉnh Bình Dương được công nhận có ý nghĩa to lớn ở địa phương, khẳng định giá trị, sức sống, bản sắc của DSVH phi vật thể, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bình Dương và khai thác du lịch.
Gắn liền trong đời sống xã hội, “Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp” và “Nghề gốm ở Bình Dương” là 2 nghề truyền thống có lịch sử hình thành hơn trăm năm trên đất Bình Dương. Cùng với thời gian, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng 2 nghề được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia này vẫn tồn tại, phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sản phẩm của 2 nghề này đã có mặt khắp các tỉnh, thành trong nước và vươn tầm thế giới, trở thành những “đại sứ” văn hóa, lan tỏa hình ảnh vùng đất, con người Bình Dương tươi đẹp, nghĩa tình.
Trong rất nhiều môn phái võ cổ truyền ở Việt Nam, đến nay mới có 2 môn võ được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia, trong đó có “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” xuất phát từ vùng đất Bình Dương
Mỗi người dân Bình Dương hôm nay vẫn ý thức được giá trị của việc lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống. Mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng vẫn giữ gìn, nâng niu những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” hay “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” là 2 trong nhiều DSVH phi vật thể ở loại hình này đang hiện diện trên đất Bình Dương. Cùng với đó, trên vùng đất Thủ, còn có rất nhiều DSVH phi vật thể dù chưa được công nhận nhưng vẫn đang lưu truyền tại các đình làng, đình thần trong tỉnh. Mỗi dịp lễ hội kỳ yên, các đình cũng trở nên đông vui hơn bởi người dân dù đang sinh sống ở địa phương hay đi làm ăn xa cũng tranh thủ về quê dự lễ đình. Thế nên, lễ hội kỳ yên chính là sợi dây thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, cố kết cộng đồng.
Trong các DSVH phi vật thể quốc gia của tỉnh Bình Dương đã được công nhận, “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức văn hóa của người dân, đặc biệt là người dân vùng Tân Phước Khánh (TP.Tân Uyên), Bình Chuẩn (TP.Thuận An) ngày nay. Từ khi hình thành đến nay, môn võ này vẫn không ngừng được các thế hệ kế thừa, phát triển. Minh chứng là ngoài địa bàn tỉnh Bình Dương, hiện nay môn võ này đang được truyền dạy, phát triển tại nhiều địa phương, như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh... với hàng ngàn võ sinh, võ sĩ tập luyện thường xuyên, tiếp tục trao truyền cho thế hệ đi sau những kỹ thuật đặc thù của môn phái, cũng như đóng góp vào thành tích chung.
Giá trị của những DSVH phi vật thể có ý nghĩa, vai trò vô cùng đặc biệt, là điểm tựa vững chắc trong đời sống tinh thần của mỗi người. Dù cuộc sống có thay đổi, phát triển hiện đại thế nào đi nữa, thì những giá trị văn hóa ấy vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người, cộng đồng. Những DSVH phi vật thể của tỉnh nhà luôn thể hiện được nét đặc trưng riêng, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng DSVH của dân tộc.
“Để có thêm những DSVH được công nhận trong thời gian tới, ngành VHTT&DL vẫn đang tiếp tục phối hợp với các địa phương lựa chọn những DSVH phi vật thể tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học, đề nghị đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Tỉnh cũng tổ chức thực hiện công tác sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa các DSVH phi vật thể có giá trị để bảo tồn và phát huy tại địa phương”. (Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
CẨM LÝ