Khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn

Thứ sáu, ngày 20/07/2018

(BDO)  Liên đoàn Lao động tỉnh và Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang phối hợp hoàn tất thủ tục nhằm khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của người lao động (NLĐ). Xoay quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn bà Lê Minh Lý (ảnh), Giám đốc BHXH tỉnh.

- Thưa bà, hiện nay tình hình nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Phân loại theo tuổi nợ, nợ chậm đóng 1 tháng là 126,391 tỷ đồng; nợ đọng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là 110,700 tỷ đồng; nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên là 151,807 tỷ đồng và nợ khó thu do đơn vị mất tích, giải thể, phá sản… là 60,945 tỷ đồng.- Theo thống kê, tính đến cuối tháng 6-2018, tổng số nợ là 449,843 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so kế hoạch thu là 2,2%. Trong đó, BHXH là 349,978 tỷ; bảo hiểm thất nghiệp là 30,040 tỷ; bảo hiểm y tế là 19,343 tỷ; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 4,498 tỷ và nợ lãi chậm đóng là 45,984 tỷ đồng.

- Mới đây, Bộ luật Hình sự đã quy định hình sự hóa tội danh trốn đóng, chậm đóng BHXH, điều này có tác động tới việc khởi kiện không, thưa bà?

- Thứ nhất, hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH làcác hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 17 của Luật BHXH năm 2014.

Thứ hai, từ hành vi trốn đóng, chậm đóng của người sử dụng lao động tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, như: Không được tham gia theo luật định; không được xác nhận sổ kịp thời khi nghỉ việc… Điều này nếu xảy ra được xác định là tranh chấp lao động theo quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khi NLĐ khởi kiện thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tòa án sẽ xác định là vụ án lao động hay vụ án hành chính. Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 14 của Luật BHXH năm 2014, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn.

Thứ ba, hành vi trốn đóng BHXH của cá nhân, pháp nhân sẽ bị xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý là thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH quy định tại Khoản 9, Điều 22 của Luật BHXH năm 2014. Một trong những chế tài là xử lý hình sự theo tội trốn đóng BHXH quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự năm 2015, hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Do đó, có thể nói là việc đề nghị xử lý hình sự và khởi kiện là hoàn toàn độc lập, không tác động qua lại lẫn nhau. Khởi kiện là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và thực hiện theo Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự…; xử lý hình sự là để chế tài hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật và thực hiện theo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…

- Thưa bà, thực tế hoạt động khởi kiện được tổ chức thực hiện thế nào, kết quả ra sao? Bà có kiến nghị gì với các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế để việc khởi kiện được thuận lợi hơn?

- Trước đây, khi xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng quyền, lợi ích của NLĐ thì cơ quan BHXH chủ động tiến hành thủ tục, hồ sơ khởi kiện ra tòa án để thu số tiền này nhằm giải quyết chế độ và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, theo Luật BHXH năm 2014 thì tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho NLĐ hoặc tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa án đối với hành vi này.

Do đó, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã yêu cầu TAND các cấp, kể từ ngày Luật BHXH cóhiệu lực thi hành (ngày 1-1-2016), tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụán đã thụ lý trước ngày 1-1-2016 mà chưa giải quyết thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trên thực tế, mặc dù Tổng LĐLĐ Việt Nam vàBHXH Việt Nam đã có quy chế phối hợp, chỉ đạo và tại địa phương, BHXH tỉnh và LĐLĐ tỉnh cũng đã có quy chế phối hợp; đồng thời cơ quan BHXH cũng đã chủ động tổ chức họp, thống nhất với LĐLĐ, TAND, Viện Kiểm sát nhân dân nhưng do nhiều khó khăn, vướng mắc theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự vàcác văn bản luật khác. Do đó, cũng như tình hình chung của cả nước, hiện nay trên địa bàn tỉnh, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện được vụ án nào. Tuy nhiên, hoạt động phối hợp khởi kiện thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác thu nợ BHXH. Cụ thể tính đến tháng 5-2018, trong tổng số 39 hồ sơ của đơn vị do BHXH tỉnh gửi LĐLĐ tỉnh, trong đó khởi kiện nhưng tòa án đã trả lại đơn là1 hồ sơ, 9 đơn vị trả hết nợ, 17 đơn vị trả nợ một phần; số tiền thu được là 60/90 tỷ đồng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn đứng ra đại diện tập thể, NLĐ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng trong tình hình trốn đóng, chậm đóng BHXH như hiện nay, cũng như tránh việc hình sự hóa hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo luật định nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh, theo tôi Tổng LĐLĐ Việt Nam cần phối hợp TAND tối cao có hướng dẫn chung về khởi kiện với mục đích là vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, vừa ngăn chặn hành vi vi phạm ngay từ đầu, tránh dẫn đến phải bị xử lý hình sự.

- Xin cảm ơn bà!

THIÊN LÝ (thực hiện)