Khơi dậy ý chí chủ động, giúp người nghèo vươn lên
(BDO) Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, UBND huyện Phú Giáo luôn bám sát và kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện tại cơ sở, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có hướng chỉ đạo cụ thể, bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến với người nghèo. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên khơi dậy ý chí chủ động, giúp người nghèo vươn lên.
Từ năm 2016-2020, huyện Phú Giáo đã mở hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo được việc làm ổn định cho nhiều hộ nghèo
Nắm bắt kịp thời
Cách thức nắm bắt tình hình thực tế, khơi dậy ý chí chủ động trong người nghèo của huyện Phú Giáo đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững theo tiêu chí mới của tỉnh. Nếu cuối năm 2016 toàn huyện có 343 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,55% trên tổng số dân thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 101 hộ, chiếm tỷ lệ 0,42%. Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết: “Để đẩy mạnh việc giảm hộ nghèo trên toàn huyện, công tác tuyên truyền được xác định là trọng tâm, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm của toàn xã hội trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo. Huyện thực hiện đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương; tăng cường công tác tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm khơi dậy ý chí chủ động của hộ nghèo, giúp họ thoát nghèo”.
Hàng năm, qua những buổi tăng cường đối thoại với hộ nghèo, lãnh đạo địa phương dần xác định được nguyên nhân dẫn đến nghèo; nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng hộ nên đã có hướng giải quyết hiệu quả giúp bà con vươn lên, như: Mở các lớp đào tạo nghề nông thôn, giải quyết việc làm, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, xây nhà cho hộ nghèo giúp họ có được cuộc sống ổn định… 5 năm qua, huyện Phú Giáo đã triển khai được 79 lớp dạy nghề cho 2.081 người dân ở các xã, thị trấn. Đó là những nghề mà các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang cần lao động như may gia dụng, nấu ăn đãi tiệc cưới, lái xe nâng hàng, trang điểm, chăn nuôi thú y, trồng rau mầm. Người nông dân thì tiếp cận qua các lớp chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, tăng thu nhập.
Nhiều hình thức hỗ trợ
Nhằm giúp các hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện để đầu tư, phát triển sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Giáo đã giải ngân cho hàng trăm hộ vay vốn với số tiền từ 10 - 20 tỷ đồng mỗi năm. Từ việc được huyện tiếp cận, khơi dậy ý chí vươn lên, cộng với số vốn vay, nhiều hộ ở địa phương này đã có mô hình làm ăn hiệu quả, đem lại thu nhập khá. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò của anh Đào Văn Kình, khu phố 6, thị trấn Phước Vĩnh. 12 năm trước anh Kình cùng vợ con đến Phú Giáo lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Nhờ chắt chiu, chịu thương, chịu khó và có thêm nguồn vốn vay chính sách, gia đình anh khởi đầu bằng nghề nuôi bò đẻ. Đến nay, số lượng bò của anh đã tăng lên 12 con. Nhờ nguồn thu từ nuôi bò gia đình anh đã thoát nghèo. Sau đó, anh tiếp tục vay vốn để thuê đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. “Nguồn vốn vay chính sách và tư vấn, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi, trồng trọt từ các ngành, địa phương đã tiếp thêm động lực để gia đình tôi sản xuất hiệu quả và thoát nghèo”, anh Kình nói.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện tốt cho người nghèo, người nghèo bảo lưu, người cận nghèo có điều kiện khám, chữa bệnh, chính quyền huyện Phú Giáo đã xét cấp 7.537 thẻ bảo hiểm y tế. Chính quyền địa phương các xã, thị trấn phối hợp tốt với người dân, doanh nghiệp hỗ trợ xây mới nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo bình quân khoảng 10 căn mỗi năm. Để giúp con em hộ nghèo có điều kiện đến trường, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Phú Giáo đã chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo chủ động phối hợp với các ngành chức năng xét miễn, giảm học phí cho 2.916 trường hợp với số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 4.208 trường hợp với số tiền trên 3,4 tỷ đồng, đồng thời cấp 1.941 suất học bổng với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng. Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp trong 5 năm qua luôn được địa phương quan tâm, thực hiện xuyên suốt.
Bà Trần Hồng Dung cho biết thêm, để giúp hộ nghèo trên địa bàn thoát nghèo bền vững trong những năm tiếp theo, huyện xác định công tác rà soát hộ nghèo, sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể phải được thực hiện xuyên suốt. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo phải được chú trọng.
QUANG TÁM