Khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn
(BDO) Chương trình OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) được triển khai tại huyện Bàu Bàng từ năm 2018 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Chương trình khuyến công góp phần hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Cơ sở gạo tươi nguyên cám Song Đàm ở xã Tân Hưng được hỗ trợ máy xay xát
Đa dạng sản phẩm chất lượng cao
Huyện Bàu Bàng đang nổi lên như một điểm sáng nhờ sự đa dạng trong phát triển sản phẩm OCOP như bưởi da xanh, cải ngọt, dưa lưới, lạp xưởng, gạo tươi nguyên cám, yến sào... Các sản phẩm OCOP của huyện Bàu Bàng đều được sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Là chủ thể của sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp huyện với thương hiệu dưa leo rừng muối Ngô Văn, Công ty TNHH Tiệm vàng Bảo Phước, ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch trong các bữa cơm hàng ngày. Trên diện tích 2 ha trồng dưa leo rừng, mỗi năm vườn dưa của ông Ngô Văn Gỡ, Giám đốc Công ty TNHH Tiệm vàng Bảo Phước đạt sản lượng 10 tấn, doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Ông Ngô Văn Gỡ cho biết: “Sản phẩm dưa leo rừng muối được sản xuất với số lượng lớn, thị trường tiêu thụ trong nước. Nguyên liệu chính là dưa leo rừng qua các khâu làm sạch, ủ đường sau đó đóng gói, được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Không chỉ quan tâm về số lượng, sản phẩm dưa leo rừng muối còn được đầu tư mẫu mã phù hợp, bắt mắt để thu hút khách hàng”.
Năm 2024, sản phẩm yến sào Anh Hòa của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Anh Hào (ấp Ông Thanh, xã Cây Trường II) được huyện công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nguyên liệu chính là tổ yến thiên nhiên chưng cất cùng táo tàu, đường phèn, hạt chia, gừng, hoặc lá dứa, dùng để bồi bổ sức khỏe cho người tiêu dùng. Anh Hào cho biết: “Sản phẩm đạt OCOP giúp nâng cao uy tín cho chủ cơ sở. Mỗi năm, cơ sở cho sản lượng yến 120kg, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng”.
Theo ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Phát triển các sản phẩm chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Hỗ trợ phát triển
Thời gian qua, nhiều đơn vị, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã được trợ lực từ các chương trình khuyến công. Trong đó, các sản phẩm OCOP được ngành chức năng ưu tiên lựa chọn để hỗ trợ máy móc, kinh phí.
Hộ kinh doanh Song Đàm, ấp 5, xã Tân Hưng là chủ thể của sản phẩm gạo tươi nguyên cám đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2024. Được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Anh Đàm Quang Hiệp, chủ hộ kinh doanh, chia sẻ: “Ban đầu tôi đặt hàng nhà sản xuất theo yêu cầu để cung cấp cho khách hàng. Khi lượng khách hàng tăng lên tôi đầu tư giàn máy xay xát, sản lượng đạt khoảng 10 tấn/tháng, doanh thu một năm khoảng 1,2 tỷ đồng”.
Tương tự, hộ kinh doanh Bùi Phong Sơn chuyên sản xuất giò thủ ở ấp Bến Sắn, xã Long Nguyên cũng được hỗ trợ máy sản xuất theo chương trình khuyến công, năng lực sản xuất, doanh thu tăng khá cao. Theo anh Bùi Phong Sơn, chủ cơ sở, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2024. Việc áp dụng máy móc vào trong sản xuất giúp tiết kiệm chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động.
Theo lãnh đạo địa phương, những năm qua, để phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững, huyện phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân về vốn, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ…
HẠNH NHI - PHÚ HÀO