Khoán kinh phí sử dụng xe công, được không?

Thứ sáu, ngày 04/11/2016

(BDO) Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, chỉ thị nhấn mạnh việc giao cho Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công (xe công) phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe công phục vụ công tác chung; phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30 - 50% số lượng xe công (trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn); đồng thời xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương…

Gần đây, câu chuyện xe công bắt đầu “nóng” trở lại, khi Bộ Tài chính tiên phong thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công. Đó là bắt đầu từ tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công cho thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 thuộc Bộ Tài chính. Việc làm này được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công theo cách của Bộ Tài chính là chưa hiệu quả. Vì vấn đề chính của việc khoán kinh phí sử dụng xe công là nhằm bớt đầu xe, bớt lái xe như tinh thần nội dung chỉ thị của Thủ tướng. Còn cách khoán như Bộ Tài chính đang thực hiện thì chỉ mới tính khoảng cách từ nhà đến cơ quan.

Chuyện sử dụng xe công ở các cơ quan Nhà nước lâu nay được bàn luận khá nhiều. Thậm chí dư luận đã phản ứng gay gắt việc sử dụng xe công gây nhiều lãng phí. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số lượng xe công của cả nước hiện lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp Nhà nước. Tính trung bình một xe công mỗi năm tiêu tốn khoảng 320 triệu đồng, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn tới 12.800 tỷ đồng tiền ngân sách.

Chung quy lại, việc sử dụng xe công lãng phí chỉ tại vì cơ chế quản lý. Trước tình hình đó, hầu như tỉnh, thành nào cũng có quy định về việc sử dụng xe công. Các cơ quan Nhà nước cũng ban hành quy định về sử dụng xe công, nhưng xem ra tình trạng lãng phí vẫn không cải thiện được là mấy. Khoán kinh phí sử dụng xe công là một chủ trương đúng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đề ra giải pháp cần cụ thể, rõ ràng, minh bạch và việc thực hiện phải kiên quyết thì mới mong đem lại hiệu quả.

NHẬT HUY