“Khoác áo” cho gốm

Thứ sáu, ngày 11/04/2014

Là một trong những ngành nghề truyền thống nổi tiếng của Bình Dương, gốm sứ (GS) là hình ảnh quá quen thuộc được tô điểm bởi sắc màu của sơn cùng các họa tiết sinh động từ bao đời nay. Nhiều năm trở lại đây GS đã “khoác” lên mình chiếc áo mới với sự “góp sức” của mây, tre, đan. Đó là những điều chúng tôi ghi nhận được tại Cơ sở mây tre đan xuất khẩu Thành Lộc (khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh, TX. Tân Uyên). 

 Sản phẩm mây tre đan gốm sứ sau khi hoàn thành được mang đi phơi nắng Ảnh: LAN HƯƠNG

“Từ những kinh nghiệm có được khi làm trong công ty của Pháp mà sau này mẹ tôi đã tự mày mò đan mây, tre vào sản phẩm GS để che đi khuyết điểm bị lỗi rồi mang bán ra thị trường. Cứ như thế, trải qua bao khó khăn, vất vả, mẹ tôi đã thành lập cơ sở chuyên sản xuất mây tre đan GS đến nay cũng gần 10 năm”, chị Huỳnh Thị Kim Tuyến, quản lý cơ sở mây tre đan xuất khẩu Thành Lộc tâm sự.

Với những nguyên vật liệu gần gũi với đời sống hàng ngày như cọng cói, mây, lục bình hay dây lá buông, dây chuối… những nguyên liệu rất đơn giản, tưởng chừng như là bỏ đi thế mà qua bàn tay, trí óc của người thợ đã làm nên diện mạo mới cho gốm. Tất cả nguyên liệu sau khi qua sơ chế thì được mang về xưởng để người thợ tết vào gốm. Các công đoạn tết mây tre đan vào gốm hầu hết đều làm thủ công, tết đến đâu dây “ôm” gốm tới đó. Mẫu dùng để tết cũng không cầu kỳ, chỉ vài kiểu như đan nong mốt, nong hai, nong ba, tết ca rô, ách rô, thả hàng rào… có khi chỉ 1 sản phẩm nhưng kết hợp 2 - 3 thậm chí 4 - 5 nguyên liệu với nhau. Vừa đan vừa nhúng nước để dây không bị khô, nên sau khi hoàn thành sản phẩm phải đem đi phơi nắng. Chỉ cần phơi độ hai nắng là đạt và dây sẽ lên đều màu, nếu phơi không kỹ thì thời gian sau sản phẩm sẽ bị mốc. Các công đoạn không quá cầu kỳ, phức tạp, chỉ đòi hỏi ở người thợ sự tỉ mẩn và chính xác.

Nhìn từng dãy mây tre đan GS vừa hoàn thành ta có cảm giác gần gũi, thân thương đến lạ, như mang trong mình nét chân chất của người Việt. Màu bình gốm chủ đạo là trắng, đen hoặc kem, chỉ khác nhau ở men miệng vì khi kết hợp với mây tre đan sẽ tạo nên độ tương phản về màu sắc. Đó cũng là chủ ý của người thợ để tạo nên sự đối lập, nổi bật giữa bình gốm hay dây đan. Nếu cả hai đều quá nổi về màu sắc thì sản phẩm không đẹp, không bắt mắt. Phải có “nhu” có “cương”, cùng hòa quyện tạo nên sự hoàn mỹ trong sản phẩm.

Giá 1 sản phẩm mây tre đan sau khi hoàn tất mọi công đoạn cũng khá rẻ, chừng 100.000 đồng/bộ (bộ 3 chiếc). Chị Tuyến chia sẻ: “Vật tư dùng để đan vào gốm chỉ là những vật tư trôi nổi, không dùng để làm thì nó cũng chỉ là rác. Vì vậy chúng tôi mới tận dụng lại để làm mới bình gốm”. Mây tre đan GS không đẹp “kiêu sa”, giá thành lại thấp nhưng đáng tiếc là nó lại không có độ bền cao. Những sản phẩm này không chịu được nắng, mưa, chỉ có thể dùng trang trí trong nhà. Dù vậy, biết cách bảo quản thì cũng có thể dùng được từ 5 - 10 năm, chỉ cần mỗi năm xử lý lại sản phẩm một lần, phủi bụi và lau dầu bóng là sản phẩm lại như mới.

Vẫn duy trì ngành nghề truyền thống GS của địa phương nhưng chính mây tre đan đã mang lại nét chấm phá mới, nét duyên mới cho GS Bình Dương nói chung, Tân Phước Khánh nói riêng. “Mây tre đan GS độc đáo là vậy, giá thành cũng không quá cao nhưng tôi không hiểu sao mỗi lần tham gia hội chợ thì người Việt mình rất ít hứng thú, chủ yếu là thu hút khách nước ngoài”, chị Huỳnh Thị Kim Tuyến băn khoăn tâm sự vậy!

LAN HƯƠNG