Khoa học và công nghệ là động lực, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội
(BDO) Sáng 17-11, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ lần thứ XVI, năm 2023. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2019-2023, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 154 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN các địa phương vùng Đông Nam bộ nhằm liên kết, chia sẻ dữ liệu, thông tin hoạt động của sàn giao dịch công nghệ
Tạo bước đột phá kinh tế theo hướng hiện đại
Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng và lớn nhất cả nước, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực phía Nam, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH của quốc gia. Cơ cấu kinh tế của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nhóm ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao và trung bình cao tăng bình quân khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong hoạt động KH&CN thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của vùng, chưa thực sự trở thành động lực để duy trì phát triển KT-XH.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá kết quả hoạt động KH&CN, ĐMST của vùng giai đoạn 2019-2023; tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề vướng mắc trong thực tế triển khai… Đồng thời đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH&CN, ĐMST, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KT-XH ở từng địa phương cũng như của cả vùng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, lĩnh vực KH&CN vùng Đông Nam bộ cần thiết phải tổng kết, đánh giá và nhìn nhận lại. KH&CN có thực sự là động lực, là nền tảng cho phát triển KT-XH, sự đồng bộ giữa pháp luật và thực thi, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH&CN. Thứ trưởng Lê Xuân Định yêu cầu trong thời gian tới, các tỉnh trong vùng cần tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, lấy KH&CN, ĐMST, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm, hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá kinh tế địa phương theo hướng hiện đại. Đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ sạch, xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, của vùng theo chuỗi sản phẩm/chuỗi giá trị; tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho KH&CN, ĐMST…
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN các địa phương vùng Đông Nam bộ trong liên kết, chia sẻ dữ liệu, thông tin hoạt động của sàn giao dịch công nghệ. Đồng thời diễn ra nghi thức chuyển giao địa điểm giao ban vùng năm 2025 cho tỉnh Bình Phước.
Bình Dương chú trọng đầu tư, phát triển
Tại Bình Dương, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của KH&CN, nhiều năm qua bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tỉnh luôn chú trọng, chỉ đạo ban hành nhiều chế độ, chính sách đầu tư, khuyến khích cho việc phát triển, thu hút, sử dụng nhân tài KH&CN; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST. Các hoạt động trong lĩnh vực KH&CN luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện và tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội để khuyến khích, mời gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) tích cực tham gia đầu tư.
Thành tựu phát triển KT-XH của tỉnh đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực KH&CN. Việc gia tăng ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới ứng dụng công nghệ trong xây dựng, y tế và các ngành dịch vụ… đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Dương duy trì ổn định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nhằm thu hút phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST, tiếp tục chiến lược phát triển thành phố thông minh, công nghiệp 4.0, cùng cả nước hướng tới mục tiêu vượt bẫy thu nhập trung bình đang trở thành một trong những yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong quá trình xây dựng phát triển của Bình Dương. Thời gian tới, Bình Dương sẽ huy động, tập trung trí tuệ tiếp tục phát triển, phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương có liên quan để thực hiện một số nội dung trọng tâm. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, ban hành thêm chính sách hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực để phát triển KH&CN, nhất là hoạt động ĐMST; nâng cao năng lực KH&CN cho các viện, trường, phát triển các hệ sinh thái ĐMST đã được hình thành của tỉnh.
Ông Nguyễn Lộc Hà khẳng định, Bình Dương mong muốn thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác liên kết nội vùng nói riêng và cả nước nói chung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; đặc biệt là KH&CN nhằm đưa lĩnh vực này trở thành một trong những động lực thúc đẩy tích cực cho tăng trưởng kinh tế vùng.
Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN: Các địa phương cần có những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường đầu tư cho KH&CN, không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là DN, gắn với DN - nơi chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa. Tăng cường liên kết viện - trường và DN, DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia. Đặc biệt, các địa phương cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, những người làm khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của vùng và của đất nước. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.Hồ Chí Minh: Hoạt động KH&CN, ĐMST của thành phố thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho phát triển KT-XH. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thành phố xác định định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào KH&CN, ĐMST, trong đó khẳng định vai trò của KH&CN phải thực sự là động lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù để tháo gỡ những khó khăn chưa có sự bứt phá như: Chưa có cơ chế thông thoáng trong việc triển khai, vận hành dự án/chương trình KH&CN, mục tiêu dài hơi, dẫn đến không duy trì được trung tâm nghiên cứu mạnh. Cơ chế chính sách đãi ngộ cho các chuyên gia, nhà khoa học hiện nay chưa thật sự hấp dẫn, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường nước ngoài. Các chính sách thu hút đầu tư của DN, quỹ đầu tư mạo hiểm cho KH&CN và ĐMST còn yếu, chưa thật sự thông thoáng và thậm chí bất hợp lý. Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương: “Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040, Bình Dương tiếp tục thúc đẩy KH&CN, ĐMST phục vụ phát triển thành phố thông minh. Trong đó, tập trung xây dựng các chiến lược mang tính đột phá để phát triển KH&CN, ĐMST, góp phần và phát triển KT-XH của tỉnh. Tạo sự đồng thuận, thu hút tham gia rộng rãi của các sở, ngành, địa phương, nhà khoa học, tổ chức KH&CN, DN và các thành phần xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thực hiện các dự án phát triển KH&CN, ĐMST phục vụ xây dựng và phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh tình hình mới. |
PHƯƠNG LÊ