Khoa học và công nghệ: “Chìa khóa” để bứt phá trong nông nghiệp
(BDO) Thúc đẩy khoa học và công nghệ
Để thúc đẩy khoa học và công nghệ (KH&CN), năng suất chất lượng, biến thách thức thành lợi thế, tỉnh đã tiến hành thúc đẩy thực hiện các đề tài, dự án KH&CN hỗ trợ ngành nông nghiệp. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN lĩnh vực nông nghiệp đã được phối hợp thực hiện giữa các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, viện trường, tổ chức và được đưa vào ứng dụng thành công trong thực tế. Đơn cử, đề tài Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây măng cụt và sầu riêng tỉnh Bình Dương, do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì thực hiện. Đề tài đã thành công giúp nông dân và nhà quản lý nắm bắt được hiện trạng trồng và sản xuất măng cụt tại Bình Dương, từ đó đã có những chính sách hỗ trợ, tạo vùng sản xuất chuyên canh, khu du lịch sinh thái của tỉnh.
Thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ là “chìa khóa” tạo bứt phá phát triển ngành nông nghiệp Bình Dương. Trong ảnh: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, huyện Phú Giáo
Bên cạnh việc sử dụng ngân sách để triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, Bình Dương còn đặc biệt quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xem đây là trọng tâm. Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những đột phá rõ nét. Một trong những giải pháp đang được đẩy mạnh giai đoạn tới là tạo điều kiện để các doanh nghiệp có tiềm lực lớn trích lập Quỹ KH&CN để đầu tư vào KH&CN, từ đó có thể hưởng chính sách miễn giảm thuế. Tại Công ty Cao su Dầu Tiếng, thời gian qua mặc dù trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn sử dụng gần 20 tỷ đồng từ Quỹ KH&CN, sắp tới dự kiến công ty đầu tư hơn 30 tỷ đồng nữa cho rất nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cấp thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi, trọng tâm của nông nghiệp Bình Dương đã mạnh mẽ đi đầu trong thúc đẩy hàm lượng công nghệ thời gian qua. Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất chăn nuôi như máng ăn, máng uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao
Bước sang giai đoạn mới, ngành nông nghiệp Bình Dương xác định tiếp tục phát huy nền tảng đã có, vận dụng sáng tạo hơn nữa gắn liền với định hướng mới của đề án thành phố thông minh - vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, đón làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bứt phá lên một tầm cao mới.
Một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, tăng cường nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nâng cao hàm lượng KH&CN trong sản phẩm. Đặc biệt, thông qua các chính sách khuyến khích, Bình Dương nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò chủ lực trong phát triển sản xuất công nghệ cao.
Về mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, Bình Dương thận trọng triển khai từng bước để bảo đảm phù hợp với năng lực sản xuất của tỉnh và nhu cầu thực tế của thị trường. Theo đó, trước hết tỉnh tập trung thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định, để chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó giúp hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện hữu.
PHƯƠNG AN - KHOA CÔNG