Khoa học công nghệ thúc đẩy tăng trưởng bền vững
(BDO) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề: “Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt”.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng chuối sứ theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên)
Đóng góp của KHCN
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, những đóng góp của KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn, qua đó góp phần quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành, lĩnh vực. KHCN đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi mới.
Các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt, đóng góp thiết thực vào thành công của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao chuỗi giá trị chủ lực quốc gia. KHCN đã góp phần cải tạo cơ cấu giống, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa nông nghiệp, cải thiện năng suất lao động, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số… góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành.
Ngành đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KHCN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Cùng với đó có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% trong giai đoạn 2021-2025 và tăng 35% giai đoạn 2026-2030. Ngành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% năm 2025 và chiếm 85% năm 2030.
Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ
Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương và tạo nguồn thu nhập cao cho người nông dân, Bình Dương đãthực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bình Dương đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%, diện tích đất trồng nông sản đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%, số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP) chiếm 30% vào năm 2025.
Xác định rõ tầm quan trọng của KHCN đối với sự phát triển của nông nghiệp, thời gian qua, Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ưu việt, như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa…
Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực, như: Cao su, chuối, dưa lưới, cây ăn quả có múi, rau củ... Qua đó, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng nâng lên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt toàn tỉnh đạt 5.763 ha, nông nghiệp đô thị 172 ha với các loại cây trồng có giá trị. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao đang hoạt động hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao.
THOẠI PHƯƠNG