Khoa học công nghệ thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng
(BDO) Những năm qua, nông nghiệp Bình Dương triển khai áp dụng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự bứt phá phát triển bền vững.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) mang lại hiệu quả cao
Liên kết chuỗi giá trị
Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3% trong GDP, nhưng Bình Dương có nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là việc nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả KHCN. Đây cũng là nội dung quan trọng của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
KHCN đã tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp và thực tiễn sản xuất yêu cầu. Đó là, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến đã tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho hàng hóa nông sản và ngành nông nghiệp. Cùng với đó, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Trong lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống cây, bám sát nhu cầu thị trường, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, đã góp phần trực tiếp tăng về diện tích và sản lượng, năng suất. Đơn cử, vùng trồng cây ăn trái Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên), vùng trồng bưởi Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), các vùng trồng dưa lưới, rau theo hướng VietGAP… Các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ tự động hóa trong tưới tiêu, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh tập trung phát triển ở 4 huyện phía bắc theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Công nghệ cao ứng dụng vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất đa dạng với những công nghệ tiên tiến áp dụng vào lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vắc xin thú y phòng, chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư
Bình Dương đang quy hoạch, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Đồng thời đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình kinh tế tập thể được quan tâm củng cố và phát triển; nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả được mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Một trong các doanh nghiệp dẫn đầu trong đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao không thể không nhắc đến là Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm). Với tổng diện tích hơn 400 ha tại huyện Phú Giáo, trong đó cây trồng chủ lực là dưa lưới, chuối mang thương hiệu Dole và Unifarm. Ngoài ra, Unifarm còn đầu tư, nghiên cứu nhiều loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao như nhãn, ổi, lựu... Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, chế biến... để khai thác tối đa giá trị nông sản. Tại Unifarm, quy trình kỹ thuật chăm sóc chuối nghiêm ngặt không thua kém các ngành sản xuất công nghiệp để duy trì chất lượng tiêu chuẩn GlobalGAP. Khi chuối đạt độ chín theo quy chuẩn sẽ bắt đầu được thu hoạch và chuyển bằng hệ thống ròng rọc về nhà kho trung tâm. Tại đây, chuối sẽ tách nải theo định lượng nghiêm ngặt để chuyển qua hai bể rửa rồi hong khô bằng quạt gió, sau đó phân nhánh dán nhãn và đóng gói.
Đối với dưa lưới, Unifarm ứng dụng công nghệ nhà kín, với hệ thống tưới nước và bón phân được lập trình tự động, theo dõi sát sao để kiểm soát lượng tưới cũng như số phân bón tưới ra. Điều này khiến cho mỗi năm, cây dưa lưới thu về khoảng 100 tấn mỗi ha. Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Unifarm, cho biết: “Để cây trồng và sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi các nhân tố tiêu cực từ thời tiết, khí hậu, chúng tôi ứng dụng các giải pháp KHCN được chuyển giao từ Israel và một số quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, New Zealand… vào công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Do được đầu tư tốt về công nghệ và nhân sự được đào tạo kỹ lưỡng nên năng suất các loại cây trồng của Unifarm khá cao và luôn ổn định”. Hiện nay, Unifarm đang đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu Bình Dương, bao gồm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (diện tích hơn 400 ha); dự án trồng chuối ứng dụng công nghệ cao tại các xã Thanh An, Minh Tân, Long Hòa với quy mô 1.200 ha thuộc huyện Dầu Tiếng…
Theo Quyết định số 3485/QĐ-UBND ngày 23-11-2019 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương tập trung phát triển nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành, phát riển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái. Hiện ngành chức năng của tỉnh tăng cường phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển để thẩm định, giải quyết nhu cầu vốn cho nông dân. Song song đó, tỉnh cũng đã tập trung đưa ra các giải pháp tạo mô hình chuỗi liên kết cho sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: “Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Bình Dương đã mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho phát triển ngành nông nghiệp. Trên thực tế, ngành nông nghiệp tỉnh hiện nay đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, bứt phá trở thành một trong những vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu, năng suất cao. Chìa khóa phát triển của Bình Dương là việc vận dụng sáng tạo Nghị quyết 26 của Trung ương phù hợp hoàn cảnh địa phương, bám sát tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh của tỉnh, từ đó đưa ra chiến lược phát triển nông nghiệp độc đáo”. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành, ứng dụng KHCN vào sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học vi sinh và giống cây trồng vật nuôi đã góp phần phục vụ yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương”. PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh: “Bình Dương cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Các loại sản phẩm nông nghiệp nổi bật ở Bình Dương hiện nay như cao su, hồ tiêu, cam, quýt, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, măng cụt… đều có thể phát triển thành chuỗi nhằm tăng giá trị nông sản. Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương hiện nay còn vấn đề liên kết giữa các tác nhân nên việc phát triển gắn với chuỗi giá trị tạo điều kiện cho sản xuất theo quy trình chặt chẽ, liên kết sâu các tác nhân nhằm ứng phó tốt với biến động thị trường, thiên tai… Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp còn tạo điều kiện cho việc ứng dụng và kiểm soát công nghệ một cách toàn diện trong các khâu sản xuất từ cung ứng đầu vào, đến sản xuất, chế biến và phân phối”. |
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ