Khoa học công nghệ: “Chìa khóa” để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
(BDO) Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những ngoại lực có ý nghĩa quan trọng mang tính đột phá để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số. Bình Dương cũng đang đẩy mạnh phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án công nghệ cao, thúc đẩy tiến trình xây dựng thành phố thông minh.
Bình Dương đã và đang thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao. Trong ảnh: Dây duyền sản xuất của Công ty TNHH Điện tử Foster (Việt Nam)
Tạo bước đột phá
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit với chủ đề “Phục hồi và phát triển KT-XH bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh: “Hiện nay, KHCN, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”.
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu, lãnh đạo các bộ, ngành đã trình bày tham luận về công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số; đổi mới sáng tạo phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19; góp ý đối với khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng KHCN và đổi mới…
Trước đó, trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra chuỗi 10 phiên hội thảo chuyên đề (từ ngày 9-11 tới 18-11-2021). Chuỗi hội thảo tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của diễn đàn, như: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Thu hút các dự án công nghệ cao
Bình Dương là địa phương đầu tiên của Việt Nam xây dựng thành phố thông minh với môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bình Dương đang ưu tiên thu hút đầu tư từ các đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới với trình độ quản trị hiện đại, các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.
Trong những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng KHCN vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng nguồn lao động. Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển KT-XH, phát triển công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, toàn tỉnh hiện có 4.011 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 37 tỷ đô la Mỹ.
Trước những định hướng thu hút đầu tư của tỉnh nhà, những kết quả phát triển KT-XH trong những năm qua, cùng tiến trình xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đang là điểm lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với các dự án công nghệ cao. Bà Dawn Townsend, Giám đốc cấp cao thương mại và đầu tư, Cục Phát triển kinh tế Atlanta, Văn phòng Thống đốc bang Georgia (Hoa Kỳ) đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương và cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp của bang Georgia đang quan tâm đến mảng công nghệ cao, thành phố thông minh. Bình Dương cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Hoa Kỳ lựa chọn, tìm hiểu môi trường đầu tư của Bình Dương”.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư với Ý do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, ông Enrico Padula, Tổng Lãnh sự Ý tại TP.Hồ Chí Minh, đánh giá Bình Dương là một trong những địa phương của Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về KT-XH, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn có sự tăng trưởng, đây là thành tựu đáng ghi nhận. Bình Dương đang xây dựng Khu công nghiệp KHCN và Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới. Định hướng phát triển của Bình Dương trong tương lai cũng chính là điều mà Chính phủ Ý đang thực hiện với các đối tác châu Âu như Tập đoàn CG tại Hà Lan, dưới phương thức hợp tác hai bên đều có lợi (win-win), trên nền tảng bền vững và phát triển công nghệ, đáp ứng đúng các thách thức của thời điểm toàn cầu hóa hiện nay”, ông Enrico Padula, nói .
Đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương, các doanh nghiệp Ý quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư như logistics, năng lượng sạch; sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu đi các nước trên thế giới; trang thiết bị an toàn cho người lao động… Ông Andrea Geuin, Giám đốc Công ty Bonfiglioli khu vực Đông Nam Á, cho biết Công ty Bonfiglioli có một nhà máy sản xuất các thiết bị tự động hóa ở Bình Dương. Thời gian tới, công ty sẽ nghiên cứu các ứng dụng di động, phát điện, tua pin năng lượng… “Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy tại Bình Dương và liên kết với trường đại học để triển khai các dự án, nhất là các dự án công nghệ cao”, ông Andrea Geuin khẳng định.
Ông Uematsu Kanji, Phó Giám đốc tiếp thị Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết Bình Dương đang tập trung xây dựng thành phố thông minh và Khu công nghiệp KHCN để phục vụ các nhà đầu tư. Trong giai đoạn tới, Bình Dương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường huyết mạch kết nối với sân bay, các cảng biển để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa.
► Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, các chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp sâu sắc mang tầm chiến lược có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc tham gia xây dựng các chủ trương về phát triển KT-XH của đất nước, trong đó có chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việt Nam đang thực hiện 2 chương trình song hành với nhau về chính sách phục hồi và phát triển KT-XH bền vững và phòng, chống dịch Covid-19. Phục hồi phát triển KT-XH thời gian tới cần cả 2 yếu tố: Nội lực (con người, thiên nhiên, văn hóa) được xác định là chiến lược lâu dài và ngoại lực (vốn, KHCN, nguồn nhân lực) có ý nghĩa quan trọng mang tính đột phá. ► Ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Trong những năm tiếp theo, trong mời gọi thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh, nâng tầm hợp tác song phương, đa phương trên nhiều lĩnh vực với các nước, để tạo ra những bước tiến đột phá mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay”. |
PHƯƠNG LÊ