Khổ… vì kinh doanh phế liệu tràn lan!

Thứ năm, ngày 10/10/2013
Chuyện nói hoài, nói mãi… nhưng xem ra khó xử lý, đó là nạn ô nhiễm môi trường từ các điểm kinh doanh phế liệu. Dù đã bị hạn chế từ lâu, loại hình kinh doanh này vẫn cứ tồn tại ở các khu dân cư, trong khi môi trường của biết bao hộ dân đang bị ảnh hưởng…

Có dịp quan sát một số đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.Thủ Dầu Một) hay địa bàn TX.Thuận An và huyện Bến Cát, chúng tôi thấy hiện một số điểm kinh doanh phế liệu vẫn ngang nhiên hoạt động xen lẫn trong khu dân cư. Tại điểm phế liệu, những thứ đồ đồng nát từ ống nước, máy quạt, bình gas, tivi, bao bì, thùng giấy carton đến lỉnh kỉnh chai lọ các loại, giấy báo, kẽm gai, sắt vụn… thượng vàng hạ cám được chất đống la liệt từ ngoài vào trong nhà. Trò chuyện với chúng tôi về kinh doanh mặt hàng này, các chủ vựa cho biết phế liệu được gom từ nhiều nguồn khác nhau, miễn tái chế, sử dụng lại là được không kể nguồn gốc, tính chất nguy hiểm như rác thải y tế hay có nguồn gốc từ chai nhựa đựng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật! Nhiều điểm còn thu mua hàng ắc quy, sắt phế liệu, thậm chí cả nhớt thải, vỏ đạn…

Ai cũng thừa nhận rằng, kinh doanh phế liệu góp phần thu gom một lượng lớn rác sinh hoạt trong khu dân cư là điều cần thiết, đồng thời phân loại rác hữu cơ và vô cơ và quan trọng hơn hết là giải quyết lao động tại chỗ. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn lợi nhuận mà không nghĩ đến lợi ích, chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hầu hết các chủ kinh doanh mặt hàng này ít chú ý đến tính pháp lý, không quan tâm cập nhật những quy định của pháp luật đã gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Đến xã Thới Hòa (Bến Cát), một số người dân “sống chung với rác” từ 21 điểm phế liệu than van: “Ngày ngày, người dân chúng tôi rất đau khổ vì cảnh nhếch nhác và mùi hôi từ rác và phế liệu. Ô nhiễm môi trường cứ thế tiếp diễn. Chúng tôi cũng đã lên tiếng, thế nhưng các ngành chức năng dù đã kiểm tra, xử lý nhưng đâu vẫn hoàn đó”. Hay ở địa bàn TX.Thuận An, người dân cũng đau đáu lo sợ vì sức khỏe của họ ngày một đe dọa do ô nhiễm môi trường từ các điểm kinh doanh phế liệu.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải thực hiện bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc làm đề án bảo vệ môi trường. Việc cấp phép mới cho các cơ sở kinh doanh phế liệu trong khu vực đông dân cư, không có mặt bằng kinh doanh phù hợp với ngành nghề bị hạn chế. Thế nhưng, mọi vấn đề đang bỏ ngỏ, mặc kệ người dân hàng ngày phải “sống chung từ rác”.

H.ÁI