“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Thứ tư, ngày 06/06/2018

(BDO) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Điều đó cho thấy công tác vận động, tập hợp quần chúng nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ chung là hết sức quan trọng. Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận, hôm qua (5-6), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị triển khai một số văn bản mới của Trung ương liên quan đến công tác dân vận. Đây là những văn bản mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay.

 Xác định sức mạnh của quần chúng nhân dân, từ năm 1949, thông qua bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ chí Minh đã chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm...”. Từ sự giáo huấn của Người, Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ phát triển đất nước luôn coi trọng công tác dân vận. Đội ngũ làm công tác dân vận không ngừng được nâng cao về nhận thức, trình độ và luôn thực hiện tốt công việc được giao. Nhờ làm tốt công tác dân vận, tập hợp tốt lực lượng quần chúng mà dân tộc ta đã vượt qua hai cuộc trường chinh giữ nước vĩ đại với muôn vàn khó khăn gian khổ, thu giang sơn về một mối.

Sau ngày đất nước hòa bình, công tác dân vận tiếp tục được Đảng và Nhà nước phát huy thông qua việc đẩy mạnh công tác vận động sức người, sức của cho công cuộc tái thiết đất nước. Công tác dân vận gắn với phong trào thi đua ái quốc đã động viên cả dân tộc ra sức lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất, đưa đất nước từ đói nghèo bước sang trang sử mới. Trong những năm gần đây, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, công tác dân vận được Đảng, Nhà nước chú trọng thông qua những phong trào, cuộc vận động mới, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ những phong trào, cuộc vận động này, công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong từng giai đoạn khác nhau, các phong trào, cuộc vận động của công tác dân vận luôn có sự thay đổi để phù hợp với tình hình đất nước. Bước sang giai đoạn đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng và tình hình thế giới có những thay đổi khó lường như hiện nay, công tác dân vận được Đảng, Nhà nước chú trọng thông qua việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là đối với công tác tôn giáo; nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để làm tốt công tác dân vận trong tình hình mới hiện nay, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

 LÊ QUANG