Khó tìm được việc làm khi không có tay nghề
(BDO) Gian nan đi tìm việc
Ghi nhận của P.V vào sáng 17-2 tại các KCN trên địa bàn như VSIP I, Đại Đăng, Sóng Thần 3..., NLĐ đi xe gắn máy tìm đến “gõ cửa” DN gửi hồ sơ xin việc khá nhiều. Trong số đó, rất nhiều người lần đầu đặt chân đến Bình Dương tìm việc. Như hai anh em Võ Chí Công, Võ Chí Bình đến từ tỉnh Trà Vinh, đã 3 ngày đảo khắp các DN ở KCN Đại Đăng, Sóng Thần 3 nhưng chưa nơi nào nhận hồ sơ. Chầu chực trước cổng Công ty Cổ phần Công nghiệp DSVK, Võ Chí Công tâm sự: “Em thấy công ty treo bảng tuyển dụng 500 lao động, nhưng đã 2 lần đến đây, bảo vệ công ty trả lời hôm sau mới có người tiếp nhận nên em lại đi về, những người khác cũng vậy. Trước em ở nhà làm ruộng và làm công cho các vườn trái cây, thấy công việc không ổn định nên muốn lên Bình Dương xin việc ở nhà máy. Em đã hỏi một số công ty may, nhưng đa phần là tuyển nữ chứ nam vào đó cũng ít việc. Nếu không tìm được việc, vài hôm nữa em lại về quê chứ không trụ được lâu”.
Người lao động chờ nộp hồ sơ tại Công ty TTI (KCN Đại Đăng)
Tương tự, anh Nguyễn Văn Cảnh, quê tỉnh Thái Bình vẫn kiên trì cầm hồ sơ đi hết DN này đến DN khác ở KCN Đại Đăng, Sóng Thần 3, nhưng chưa có nơi nào nhận hồ sơ: “Mấy hôm trước tôi có lên KCN Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3 nhưng cũng không xin được việc, hôm nay tôi xuống dưới này xem sao. Thấy có DN treo bảng tuyển dụng, nhưng vào hỏi thì được bảo vệ thông báo đã tuyển đủ người. Trước ở quê tôi làm cơ khí cho một DN nhỏ tại địa phương, nên cũng muốn tìm việc trong ngành cơ khí, nhưng thật sự khó”, anh Cảnh chia sẻ. Cứ thế, những lao động mới như anh Cảnh và anh em Võ chí Công, Võ Chí Bình vất vả ngược xuôi trên các tuyến đường ở các KCN để tìm việc, theo sau là những đoàn xe mang biển số các tỉnh Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu...
Công ty TNHH Công nghiệp Hungder (KCN Đại Đăng) đã tiếp nhận hồ sơ của hàng trăm lao động từ những ngày sau tết. Tuy nhiên, công ty chỉ tuyển lao động nữ, nhiều lao động nam đã nộp hồ sơ nhưng bị trả lại. Một công ty trong ngành điện tử cách đó không xa yêu cầu người đến nộp hồ sơ phải có giấy xét nghiệm máu, X.quang... Tuy nhiên, NLĐ cũng chỉ nộp hồ sơ tại phòng bảo vệ và chờ công ty gọi phỏng vấn nếu đạt yêu cầu. Còn Công ty K.X., chuyên sản xuất giày da, túi xách tại KCN Sóng Thần 3 cũng có treo bảng tuyển dụng hàng trăm lao động nhưng không nhận hồ sơ người đi xin việc...
Tại KCN VSIP I (TP.Thuận An), người mới đi tìm việc đến từ các tỉnh cũng đang thiếu kiên nhẫn khi rất nhiều DN trả lời đã tuyển đủ lao động. Một số DN nhận hồ sơ, nhưng NLĐ phải chờ xem xét rồi mới phỏng vấn. Có DN đòi hỏi thủ tục, bằng cấp. Điển hình như tại Công ty TNHH Phil Inter Pharma, hàng chục người tìm đến đọc thông tin tuyển dụng nhưng sau đó rời đi vì yêu cầu công ty đưa ra phải có bằng tốt nghiệp THPT, trung cấp nghề về chuyên ngành... Số còn lại thấy đạt yêu cầu thì để lại hồ sơ, nhưng phải viết thêm nhiều thông tin phía ngoài bìa hồ sơ và nộp lại rồi tiếp tục chờ công ty gọi phỏng vấn. Có DN treo bảng tuyển dụng vài lao động thì có đến cả chục hồ sơ đã gửi vào.
Lao động ngành may đang thiếu
Trong những người đi xin việc, có số ít lao động đang trong thời gian ngừng việc do DN thiếu đơn hàng, nhưng 3 tuần trôi qua vẫn chưa xin được việc. Em Cao Anh Nguyên (quê tỉnh Quảng Bình), người đi xin việc tại KCN VSIP I, chia sẻ: “Trước đây em làm cho một công ty sản xuất ốc vít trong KCN nhưng do ít hàng, công ty không tăng ca nên mức lương không đủ sống. Em quay lại Bình Dương sau tết để xin việc. Em đã nộp hồ sơ nhiều chỗ nhưng vẫn chưa thấy công ty gọi phỏng vấn. Em mong muốn được làm trong công ty có thời gian làm việc 12 tiếng/ngày, như thế mới có thu nhập lo cho bản thân và gia đình”.
Qua ghi nhận thực tế, hiện các DN trong KCN đang treo bảng tuyển dụng lao động rất nhiều, nhưng rất ít DN nhận hồ sơ xin việc. Khi NLĐ đến gửi hồ sơ, phía DN chỉ nhận để xem xét phỏng vấn sau. Nhiều DN khác không còn nhu cầu tuyển dụng lao động, vẫn treo bảng tuyển dụng. Như thế chẳng khác nào “đánh đố” người đi xin việc. Hơn nữa, rất nhiều DN chỉ chọn lựa tuyển dụng lao động nữ, trong khi rất nhiều DN ngành dệt may cho biết đang thiếu một nguồn lao động lớn. Điển hình như Công ty TNHH Esprinta (KCN Sóng Thần 2, TP.Dĩ An), trước tết cần tuyển 700 lao động phổ thông, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ. Bà Lưu Tịnh Uyển, cán bộ nhân sự công ty, cho biết: “Công ty chúng tôi đang gấp rút tuyển thêm 450 lao động. Ai chưa biết may, công ty sẽ đào tạo, mức thu nhập không hề thấp”. Còn ông Lê Văn Toại, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pungkook Sài Gòn 2 (KCN Sóng Thần 1, TP.Dĩ An), cho biết công ty vẫn đang tuyển hàng trăm lao động phổ thông nhưng đang thiếu nguồn. Một số DN ngành may như Công ty ASG Vina (TP. Thuận An), Công ty TNHH Panko Vina (KCN Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát), Công ty TNHH ALL Green Vina (KCN Mỹ Phước 2, TX.Bến Cát)...vẫn đang thiếu nhiều lao động.
Từ thực tế trên cho thấy ngành chức năng cần có thống kê chính xác hơn về DN tuyển dụng lao động. DN không cần lao động thì không nên treo bảng tuyển dụng lao động để NLĐ không mất thời gian, công sức, chi phí làm hồ sơ. Với DN ngành may cần lao động, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển dụng việc làm trên nhiều kênh thông tin mới sớm có nguồn lao động ổn định...
QUANG TÁM