Khó khăn không lùi bước
Giỏi nghề, không lùi bước trước khó khăn và hết mình với thợ trẻ là những phẩm chất đẹp ở nhiều kỹ sư, công nhân
Bốn công trình nghiên cứu khoa học, 5 sáng kiến cải tiến có giá trị ứng dụng cao là sự khẳng định thành công về mặt nghề nghiệp của một kỹ sư chỉ mới 34 tuổi đời nhưng có đến 16 năm tuổi nghề. Nhiều năm qua, kỹ sư Nguyễn Thiện Dũng, Phó Phòng Kỹ thuật Công ty CP Hữu Liên Á Châu, đã khẳng định tên tuổi của mình bằng những công trình, sáng kiến có giá trị.
Kỹ sư Nguyễn Thiện Dũng bên một dàn máy mới vừa được cải tiếnTự tin khẳng định tay nghề
Đầu tháng 8-2011, khi giám sát việc lắp đặt dây chuyền sản xuất ống thép của Công ty CP Hữu Liên Á Châu tại tỉnh Long An, nhiều chuyên gia Hàn Quốc đánh giá cao trình độ tay nghề của đội ngũ kỹ sư và công nhân (CN) Việt Nam. Người được giao phụ trách việc lắp đặt dây chuyền sản xuất ấy là kỹ sư Dũng. Trước đó, công trình “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo mạch công suất cao tần trong ngành sản xuất ống thép” được anh thực hiện năm 2009 cũng được ban lãnh đạo công ty đánh giá là bước đột phá trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của kỹ sư, CN Việt Nam. “Lúc đó, dây chuyền sản xuất ống thép sử dụng công nghệ hàn cao tần do Đài Loan sản xuất đột ngột trở chứng. Do đây là công nghệ mới, muốn khắc phục phải mời chuyên gia nước ngoài xử lý vừa tốn kém chi phí vừa mất thời gian. May mắn là lúc đó, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM triển khai chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và chuyển giao thiết bị mới”, chúng tôi xin phép thử sức và được ban giám đốc chấp nhận”- anh Dũng nhớ lại.
Khó khăn lớn nhất lúc ấy là phần lớn các thông số kỹ thuật của linh kiện bị nhà cung cấp thiết bị xóa mã số. Bên cạnh việc tận dụng linh kiện có sẵn, anh Dũng đã nghiên cứu thiết kế lại mạch. Sau gần 2 tháng, Board mạch “Made in Vietnam” do anh thực hiện đã giúp dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại, tiết kiệm cho công ty hơn 1,4 tỉ đồng. Thành công này có ý nghĩa đặc biệt với ban giám đốc bởi từ thời điểm ấy doanh nghiệp (DN) giảm bớt sự lệ thuộc vào việc cung cấp linh kiện từ nước ngoài, giảm chi phí đầu tư.
Giỏi nghề nhưng không giấu nghề là điều làm nên tình cảm của anh em CN đối với kỹ sư Nguyễn Thiện Dũng. Nhiều kỹ sư, CN đến công ty thực tập và làm việc đều được anh tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm. “Yêu nghề và không lùi bước trước khó khăn, anh Dũng chính là gương sáng cho thợ trẻ noi theo”- anh Nguyễn Thành Danh, tổ trưởng tổ điện, nhận xét.
Sáng kiến từ việc nhỏ
Là người lớn tuổi nhất trong số 11 cá nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, ông Đinh Văn Giai, Quản đốc xưởng sản xuất đồ hộp Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu -TPHCM), được nhiều chuyên gia nước ngoài tại công ty đặt cho biệt danh là “chuyên gia sáng kiến”.
Ông Đinh Văn Giai (bìa phải) đang hướng dẫn công nhân điều khiển hệ thống xử lý rác 11 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và 3 đề tài nghiên cứu là “gia tài” của người thợ hết lòng với nghề, hết mình vì DN. Điển hình như công trình cải tiến máy lọc rác thực hiện năm 2007. Do những khiếm khuyết về cơ chế hoạt động của máy lọc rác nhập ngoại, lượng bột cá trôi ra hệ thống xử lý khá nhiều, gây khó khăn cho quá trình xử lý chất thải. Từ thực tế ấy, ông Giai đề xuất ban giám đốc cho phép nghiên cứu cải tiến hệ thống lọc rác bằng nguồn vật tư trong nước.
Chỉ với một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như thay đổi vị trí lắp đặt mô tơ, chế tạo thêm bầu nước hút chân không... hệ thống lọc rác cải tiến đã hoạt động trơn tru, tiết kiệm cho DN 30 triệu đồng/máy. Công trình này còn giúp công ty tận dụng được lượng bột cá phế phẩm để bán lại cho các cơ sở thức ăn gia súc. “Sáng kiến không phải là cái gì quá to tát, chỉ cần người thợ yêu nghề và tinh ý thì sẽ làm được”- ông Giai bộc bạch.
Với ông Giai, đào tạo nghề cho thợ trẻ vừa là nghĩa vụ vừa là niềm vui. Sự tận tụy của ông đã giúp công ty có một đội ngũ CN kỹ thuật tay nghề cao. Dưới sự dìu dắt tận tình của ông, nhiều người đã trưởng thành, được DN tin cậy, đề bạt làm quản lý.
Ông Wang Cheng Yi, Tổng Giám đốc Công ty Toàn Thắng, cho rằng những sáng kiến nhỏ nhưng có giá trị lớn của người thợ làm cho DN hiểu hơn về giá trị của phong trào thi đua do Công đoàn phát động.
Theo NLĐ