Khó có bữa cơm gia đình
Cuộc sống hiện đại len lỏi vào từng gia đình và bữa cơm chung ngày một ít đi. Ai cũng bận rộn với việc làm, việc học nên chuyện ăn cơm chung trở thành thứ yếu.
Một lần, đến nhà chị Hằng, một đồng hương chơi. Trong căn bếp sang trọng, đầy đủ tiện nghi, chị ngồi buồn thiu với một tô cơm. Hỏi sao giờ này mới ăn tối, chị chép miệng: “Nhà có ai đâu, ăn khi nào chẳng được”... Chị còn nói thêm, biết thế này không làm cái bếp rộng rãi làm gì.
Theo chị, thường ngày chồng chị ít khi về nhà trước 20 giờ. Nhiều khi “đột xuất” còn về nhà trễ hơn nữa. Bữa cơm tối thường vắng chồng vì anh đã dự tiếp khách, gặp gỡ đối tác. Con chị 2 đứa tự động xúc 2 tô cơm về phòng đóng cửa vừa ăn cơm vừa gõ máy tính hay coi tiếp chương trình truyền hình đang dở dang. Con gái đầu thỉnh thoảng mới ngồi ăn chung với mẹ cho mẹ vui nhưng thường là nó vừa ăn vừa làm việc vì “tài liệu con cần vẫn chưa tìm đủ”. Nó vừa đi làm vừa học tiếp lên cao học nên thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống rất hiếm. Quanh đi quẩn lại, vẫn là chị tự nấu nướng, tự thưởng thức. Nhiều lần bực quá chị la um lên, “huy động” cả nhà cùng ngồi ăn chung với nhau những bữa cơm gia đình thì chồng chị nói: “Em hô hào giải phóng phụ nữ thì đó, cứ ăn kiểu tự chọn, ai thích gì bỏ vô tô, dĩa, em đỡ dọn dẹp”. “Vậy ăn cơm tiệm luôn đi, tôi khỏi nấu!”. Chị giận dỗi trả lời nhưng mấy cha con lại đồng thanh: “Được đó mẹ, mình đi ăn tiệm”!
Cùng chuẩn bị bữa cơm gia đình ấm cúng vẫn là điều nên làm
Khác với nhà chị Hằng ít khi ăn cơm chung với nhau vì mỗi người một việc, nhà của chị Mai, một giáo viên mầm non thì ai cũng ở nhà nhưng “tình trạng” bữa cơm vẫn là nhanh, gọn, nhẹ.
Chị Mai kể, cả ngày chị đi làm ở trường mầm non từ 6 giờ đến gần 6 giờ chiều mới về. Đó là chưa kể những lúc trễ hơn vì phải chờ một số phụ huynh là công nhân, đón con muộn khi tăng ca. Cả ngày, 4 thành viên trong nhà chị chỉ ăn chung một bữa tối nhưng cũng một người một tô chứ không dọn ra mâm. Đi làm về trễ nên thường ngày, sau 7 giờ tối mới ăn cơm. Vợ chồng con cái mỗi người tự xúc cơm ăn và kết hợp... coi tivi. Thế nên, bữa cơm gia đình thay vì ngồi quây quần bên nhau, chuyện trò rôm rả thì cả ba mẹ, con cái “cùng nhìn một hướng” lên cái màn hình. Mấy lần nhìn cảnh này, chị Mai thấy không ổn chút nào nên nói chồng phụ mình dọn cơm ra bàn ăn cho có không khí bữa cơm gia đình. Anh chồng bảo thôi em ạ, em vất vả cả ngày rồi, ăn uống phiên phiến thôi. Với lại, dọn ra mâm, múc thứ này thứ nọ thì cũng là em rửa chén, vất vả thêm cho em. Thôi, cứ ăn tô như thế này xong ai rửa tô đó, khỏe! Hai đứa con chị Mai đã học cấp 2 cũng “ủng hộ” ý kiến của ba. Theo chúng, ăn xong, tụi con còn học bài nên mẹ đừng kêu con rửa một đống chén dĩa mỗi tối nếu mẹ mệt! Oải lắm!
Cứ cái đà ăn tô, ăn tiệm như thế này, bữa cơm gia đình dần dần mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó. Và như thế, người thân cũng khó có dịp chuyện trò với nhau bởi tần số... đụng mặt nhau ngày càng eo hẹp dần!
QUỲNH NHƯ