Kho bạc Nhà nước Bình Dương: Tự hào với truyền thống 75 năm ngành kho bạc Nhà nước
(BDO) Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), tiền thân là Nha Ngân khố Quốc gia được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 75/SL ngày 29-5-1946 thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính. Nha Ngân khố được thành lập để giúp Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cấp bách về tài chính và tiền tệ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Trải qua các thời kỳ và giai đoạn cách mạng, Nha Ngân khố đã không ngừng lớn mạnh, góp phần đưa 2 cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi vẻ vang, đáp ứng kịp thời các nhu cầu về nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Và ngày 29-5 lịch sử đã trở thành ngày truyền thống của hệ thống KBNN theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 26- 9-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Sắc lệnh số 75/SL ngày 29-5-1946 thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính
Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước ta đã trở thành một nước độc lập. Chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vừa “thù trong, giặc ngoài” vừa nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt. Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đói nghèo cũng là một thứ giặc nguy hiểm như giặc dốt và giặc ngoại xâm. Theo Người: “Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì”.
Chính vì lẽ đó, Người đã xác định một trọng sáu việc cấp bách hàng đầu trong phiên họp Chính phủ đầu tiên ngày 3-9-1945 là cứu đói. Sau một thời gian ngắn, đến tháng 5-1946 nạn đói cơ bản đã được đánh lui. Tuy nhiên, đất nước vẫn còn vô vàn khó khăn, Ngân khố Quốc gia trống rỗng. Xây dựng một nền tài chính vững mạnh là yêu cầu rất cấp thiết dể duy trì hoạt động của chính quyền cách mạng. Do đó, cần thiết phải thành lập cơ quan chuyên trách giải quyết các vấn đề về tài chính, tiền tệ của đất nước. Ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 75/SL về tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính. Theo đó, Nha Ngân khố Quốc gia (tiền thân của hệ thống KBNN ngày nay) là một tổ chức cấu thành trong Bộ Tài chính, để thực hiện các nhiệm vụ: Tập trung quản lý các khoản thu về thuế, đảm phụ quốc phòng và công phiếu kháng chiến; quản lý và giám sát các khoản cấp phát theo dự toán; chịu trách nhiệm xác nhận và thanh toán kinh phí cho các đơn vị thụ hưởng; làm thủ tục quyết toán với cơ quan tài chính; phát hành giấy bạc Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ kế toán.
Trong điều kiện đất nước vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Nha Ngân khố Quốc gia đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, đấu tranh chống lại những hoạt động của địch trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ, góp phần bước đầu tạo nên nền tài chính ngân sách của chế độ mới.
Trước yêu cầu và tình hình mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 20-7-1951, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 107/TTg lập ra KBNN đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và thuộc quyền quản trị của Bộ Tài chính. KBNN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thu, chi quỹ NSNN, bảo đảm các nhu cầu chi của bộ máy Nhà nước, phục vụ công cuộc kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời gian hoạt động dưới sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình: Tích cực đấu tranh với địch trên mặt trận tài chính - tiền tệ; từng bước xây dựng và củng cố chế độ tiền tệ độc lập, tự chủ. Từ năm 1964, theo Quyết định số 113/CP ngày 27-7-1964 của Hội đồng Chính phủ, các hoạt động của KBNN do Vụ Quản lý quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN) thuộc Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm.
Nghị định số 107/TTg ngày 20-7-1951 Thủ tướng Chính phủ thành lập KBNN đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và thuộc Bộ Tài chính
Từ Đại hội lần thứ VI (tháng 12-1986), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới một cách sâu sắc và toàn diện. Cơ chế quản lý tài chính và tiền tệ đã có những thay đổi căn bản, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới. Việc tách bạch hoạt động kinh doanh tiền tệ với nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách là đòi hỏi tất yếu khách quan. Để nắm chắc tình hình thu, chi và sử dụng có hiệu quả quỹ NSNN, việc chuyển chức năng quản lý quỹ NSNN về Bộ Tài chính là cần thiết. Do đó, ngày 4-1-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính với chức năng chính là giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về quỹ NSNN.
Quyết định số 07/HĐBT ngày 4-1-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính
Theo đó, hệ thống KBNN thực hiện 3 chức năng chính là: Quản lý quỹ NSNN, huy động vốn và tổ chức công tác kế toán NSNN. Trong quá trình phát triển không ngừng, để phù hợp với thực tiễn và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống KBNN đã được bổ sung hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Kể từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, cấp ủy chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương, bằng sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ công chức, hệ thống KBNN đã có bước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; khẳng định là một công cụ quan trọng không thể thiếu trong bộ máy hành chính công quyền của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ tài chính của Nhà nước, huy động vốn cho NSNN, cho đầu tư phát triển, là đầu mối duy nhất thực hiện nhiệm vụ tổ chức công tác kế toán NSNN và bổ sung gần nhất là thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước.
Ghi nhận những công lao to lớn và thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc từ khi thành lập Ngân khố Quốc gia - tiền thân của KBNN cho đến nay, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng hệ thống KBNN nhiều phần thưởng cao quý và đặc biệt nhân kỷ niệm 20 năm tái thành lập hệ thống KBNN (năm 2010), KBNN đã vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước tặng thưởng.
Để tiếp nối những truyền thống từ ngày đầu thành lập, ngày 26-9-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 29-5 hàng năm là ngày truyền thống của ngành KBNN. Đây là dịp đội ngũ cán bộ KBNN của các thế hệ trước và cán bộ, công chức KBNN hôm nay có quyền tự hào về những gì đã làm được, đã khẳng định, đã minh chứng và là tấm gương cho thế hệ mai sau tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của ngành KBNN, mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước Bình Dương
KBNN Bình Dương, tiền thân là Chi cục Kho bạc tỉnh Sông Bé, được chia tách và thành lập vào năm 1997 cùng với việc chia tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước. Tại thời điểm chia tách ấy KBNN Bình Dương chỉ có 1 văn phòng và 3 KBNN huyện. Sau gần 25 năm chia tách tỉnh, KBNN Bình Dương đã phát triển mạnh về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu và nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh mẻ của tỉnh Bình Dương. Là địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn với lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao, ổn định. Hạ tầng cơ sở luôn được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với diện tích tự nhiên chiếm 0,83% diện tích cả nước, Bình Dương gồm 3 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện trực thuộc, nhưng thu NSNN những năm gần đây của Bình Dương luôn trong Top 10 cả nước và hoạt động chi NSNN cũng được diễn ra mạnh mẽ để đáp ứng sự phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Do đó, tập thể KBNN Bình Dương đã nỗ lực, cố gắng hết mình trong công tác tổng hợp nguồn thu, kiểm soát chi NSNN, quản lý quỹ NSNN của địa phương và công tác kế toán NSNN bảo đảm đúng pháp luật, an toàn, hiệu quả đáp ứng cho công tác điều hành NSNN và phát triển của địa phương.
Nối tiếp với truyền thống đoàn kết riêng có của ngành KBNN, đội ngũ cán bộ, công chức KBNN Bình Dương quyết tâm đoàn kết một ý chí, vượt lên mọi khó khăn, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, chung sức, chung lòng vì mục tiêu xây dựng hệ thống KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, xứng đáng là người giữ tay hòm chìa khóa quốc gia vững vàng bước tiếp một chặng đường mới hứa hẹn nhiều thử thách và nhiều thành công.
ANH VIỆT