Khiêu vũ thể thao đang phát triển mạnh
(BDO) Ở Việt Nam, khiêu vũ nghệ thuật (KVNT) được người Pháp đưa vào từ năm 1945. Trong khi đó, khiêu vũ thể thao (KVTT) hay có tên gọi khác là Dance Sport mãi tới năm 2007 mới được đưa về Việt Nam. Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai loại hình thể thao đang thu hút nhiều người, ở nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện.
Giải Cúp các CLB KVTT Bình Dương được tổ chức hàng năm. Ảnh: NGUYỄN MINH
Với sự đơn giản trong tập luyện, giáo án không quá khó và phức tạp, mọi người đều có thể tập luyện sau những giờ làm việc căng thẳng, KVNT được người chơi tập luyện khá nhiều ở công viên, ngay tại nơi làm việc mỗi khi có thời gian rảnh, phù hợp với độ tuổi trung niên vì không yêu cầu nhiều về kỹ thuật và sự dẻo dai. Trong khi đó, nếu muốn tập luyện KVTT, yêu cầu người chơi phải có đam mê, chịu khó, dẻo dai, từng động tác phải dứt khoát, linh hoạt và nhanh nhẹn mới hy vọng đạt được yêu cầu về kỹ thuật cao của môn này. Đặc biệt, giáo án huấn luyện được đưa từ nước ngoài về, tất cả đều được chuẩn hóa, buộc người tập luyện phải thích nghi và quen dần với sự chuyên nghiệp và khắt khe về kỹ thuật biểu diễn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 200 vũ công thường xuyên tham gia tập luyện bộ môn KVTT này. Trong đó, có khoảng 100 em thiếu nhi và trên 100 thiếu niên đang tham gia tập luyện mỗi ngày. Hiện tại, KVTT đã được đưa về tập luyện ở gần 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Người đam mê có thể đến đăng ký học và tập luyện ở các trung tâm văn hóa, thường hoạt động từ 18 giờ 30 phút đến 20 giờ hàng ngày. Những nơi có phong trào KVTT phát triển mạnh tại Bình Dương có thể kể đến, như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và TX.Dĩ An, mỗi đêm thu hút gần vài chục vũ công tham gia tập luyện và gần như đêm nào các CLB này đều tổ chức giao lưu, học hỏi và nâng cao kỹ thuật với nhau. “Hiện tại ở Bình Dương KVNT vẫn có khá đông người tham gia tập luyện vì kỹ thuật đơn giản, động tác nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi trung niên. Trong khi đó, KVTT phù hợp hơn với những em nhỏ, thiếu niên, độ tuổi đang phát triển, có sự dẻo dai tốt hơn. Tuy nhiên, người ở độ tuổi trung niên và cao niên vẫn có thể tham gia tập luyện KVTT. Nhưng người chơi phải có niềm đam mê, đầu tư thời gian và công sức nhiều hơn khi tập KVTT”, Trưởng bộ môn khiêu vũ tỉnh, trọng tài quốc gia HLV Quang Minh cho biết.
Chính vì yêu cầu khá cao về kỹ thuật cũng như sự chịu đựng trong tập luyện, nên hiện tại chỉ có những vũ công người Hà Nội là có thể thi đấu đỉnh cao, đủ trình độ để có thể tham gia các giải lớn, như: Đại hội TDTT toàn quốc hay SEA Games. Ngay cả như TP.Hồ Chí Minh, địa phương có nhiều người theo tập luyện môn này, nhưng khi tham dự các giải đấu, cũng phải lấy nguồn vận động viên từ Hà Nội. Bộ đôi vũ công Nguyễn Trung Thực - Thạch Ngọc Anh, mang về tấm HCV đầu tiên cho Bình Dương tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018 cũng là người Hà Nội.
Tuy nhiên, với số lượng người tham gia tập luyện ngày càng đông, những người có trách nhiệm của bộ môn KVTT tại Bình Dương đang kỳ vọng sẽ có vũ công do chính tỉnh nhà đào tạo tham dự các giải đấu quốc gia và quốc tế bắt đầu từ năm 2020. Không chỉ có vậy, Bình Dương đang tính đến phương án kết hợp với Liên đoàn Thể dục Việt Nam mở nhiều lớp tập huấn tại Bình Dương cho các HLV KVTT trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, chuẩn hóa giáo án, hướng tới mục tiêu sử dụng “của nhà trồng được”.
HÙNG CƯỜNG