Khiếu nại của một số hộ dân về việc cơ sở gia công hạt điều xả nước thải ra môi trường: Cần sớm có biện pháp xử lý
(BDO) Trong quá trình gia công hạt điều, một cơ sở đã xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường. Lượng nước thải chảy xuống dòng kênh có chiều dài hơn 1km, uốn lượn quanh vườn cây của các hộ dân từ KP.8, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một đến KP.Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TX.Thuận An. Điều này đã gây bức xúc cho nhiều người dân, đặc biệt là những hộ dân thuộc địa phận phường An Thạnh…
Dòng kênh ô nhiễm không chỉ gây hư hại vườn cây ăn trái mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của bà con ở tổ 5, KP.Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TX. Thuận An. Ảnh: TÂM TRANG
Nước kênh bị đen do cơ sở gia công hạt điều (!?)
Trong đơn khiếu nại gửi báo Bình Dương, bà T.T.T.S (ngụ tại tổ 5, KP.Thạnh Lộc) trình bày: “Tôi đại diện cho những hộ dân tổ 5, KP.Thạnh Lộc, phường An Thạnh làm đơn này kính mong cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý đối với hộ sản xuất, kinh doanh hạt điều tại khu 8, phường Phú Thọ. Trong quá trình sản xuất, gia công hạt điều, cơ sở này đã thải chất độc hại xuống đường cống và đổ ra kênh thuộc tổ 5, KP.Thạnh Lộc, làm nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng…”.
Theo thông tin phản ánh, P.V đã tìm đến dòng kênh trên địa bàn phường An Thạnh để xác minh sự việc. Con kênh với chiều ngang khoảng 1,5m và chiều dài hơn 1km uốn lượn quanh vườn cây ăn trái của hơn 10 hộ dân thuộc tổ 5, KP.Thạnh Lộc. Thời điểm P.V có mặt vào buổi sáng, dòng nước mang màu đỏ đục chứ không đen và bốc mùi hôi như phản ánh. Bà Trần Thanh Thúy (số nhà 116, tổ 5, KP.Thạnh Lộc) cho biết: “Việc ô nhiễm kéo dài từ năm 2013 đến nay. Trước đây, có lần ngành chức năng xuống làm việc thì tình hình có cải thiện được một vài tháng. Sau đó, họ lại tiếp tục xả nước thải ra dòng kênh. Bây giờ họ chỉ xả nước thải vào ban đêm hoặc những lúc trời mưa chứ không xả vào ban ngày như trước…” .
Thông tin bà Thúy cung cấp được nhiều hộ dân xác nhận là đúng sự thật. P.V đã được cung cấp những tấm hình người dân tự ghi lại hình ảnh con kênh này với dòng nước đen ngòm vào những thời điểm bị nước thải từ cơ sở gia công hạt điều làm ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Bảy (số nhà 122/1 tổ 5) bức xúc: “Nhiều buổi sáng thức dậy, chúng tôi thấy dòng kênh có màu đục ngầu, đen sẫm. Vì xóm tôi đều sử dụng giếng khoan nên nguồn nước thải độc hại này sẽ ngấm vào mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi già cả không sao nhưng con cháu còn nhỏ, sử dụng nguồn nước ô nhiễm lâu ngày sẽ phát sinh bệnh tật. Mong ngành chức năng có biện pháp xử lý đối với những người xả nước thải xuống con kênh này…”.
Sẽ có biện pháp xử lý
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Riễn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một khi trả lời P.V Báo Bình Dương về phản ảnh của người dân về việc cơ sở gia công hạt điều đóng trên địa bàn phường thải nước bẩn ra môi trường.
Trước đó, P.V ghi nhận được hầu như các hộ dân ở khu vực này đều sử dụng nguồn nước từ giếng khoan mà không qua bình lọc hay hệ thống lọc nước. Thậm chí, nhiều người vẫn quen dùng nước chưa đun sôi để uống trực tiếp. Vì vậy, nguồn nước từ mạch nước ngầm có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của các hộ dân nơi đây. Mặt khác, dòng chảy của con kênh không chỉ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm mà còn ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái của rất nhiều hộ dân quanh khu vực. Bà Nguyễn Ngọc Lệ (số nhà 105/1 tổ 5) phản ánh: “Từ khi dòng nước bị ô nhiễm đến nay, vườn cây sầu riêng và măng cụt của các hộ dân quanh xóm tôi đều bị rụng lá, hư hại, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình…”. Còn Ông Huỳnh Nghĩa Long (số nhà 117 tổ 5) nói, mỗi ngày nhìn cây măng cụt rụng lá đều cảm thấy rất bức xúc, càng bức xúc hơn khi phải uống nước mà lo sợ sẽ bị bệnh ung thư! Cũng như các hộ dân khác, ông bày tỏ mong muốn địa phương có biện pháp xử lý đối với cơ sở gia công hạt điều của ông Vinh để họ không xả nước thải ra dòng kênh này nữa.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng ban điều hành KP.8, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một thì cơ sở gia công hạt điều trên là của ông Nguyễn Văn Thành. Ông Thành không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Ông Thành cùng các thành viên trong gia đình và một số hộ lân cận nhận gia công một số công đoạn của hạt điều có quy mô như: Sấy khô, ngâm và tách vỏ lụa. Sau khi ngâm hạt điều, hộ ông Thành có xả nước thải chứa trong những thùng phuy ra môi trường. Lượng nước thải trên chảy qua đường cống thoát nước rồi đổ ra dòng kênh mà bà con đề cập.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Riễn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ cho biết: “Năm ngoái, khi nhận được thông tin phản ánh từ phía người dân, địa phương đã phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND TP.Thủ Dầu Một lập đoàn kiểm tra. Sau khi lập biên bản, xử phạt hành chính, phía địa phương có lập đoàn hậu kiểm thì cơ sở này đã ngưng các hoạt động xả nước thải. Từ đó đến nay chúng tôi không nhận được thông tin phản ánh nào từ phía người dân sinh sống trên địa bàn phường An Thạnh nữa. Nay, qua thông tin phản ánh từ phía báo Bình Dương, chúng tôi sẽ kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp kiểm tra, xử lý theo quy định đối với trường hợp tái phạm trên”.
TÂM TRANG