Khi ý thức được nâng cao
Trong 2 ngày qua, khi Nghị định 46/2016/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-8 thì đã có rất nhiều ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề này như việc xử phạt đèn vàng, quệt chân chống xuống đường, tăng nặng mức xử phạt… Ở đây chưa bàn đến việc xử phạt hợp lý hay chưa hợp lý ở một số lỗi vi phạm mà chỉ đề cập đến việc ý thức của người tham gia giao thông, bởi lâu nay có những hành vi bất bình thường đã trở thành bình thường do thói quen của nhiều người. Bởi, qua 2 ngày ra quân của lực lượng chức năng ở nhiều địa phương trong cả nước đều ghi nhận lỗi vi phạm nhiều nhất là không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ.
(BDO)
Phải thừa nhận rằng giao thông của chúng ta hiện nay còn quá nhiều bất cập, từ hạ tầng giao thông đến phân luồng, biển báo cộng với phương tiện cá nhân quá nhiều, tập trung quá đông ở các đô thị… đã dẫn đến ùn tắc và tai nạn xảy ra thường xuyên gây tổn thất lớn cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong các nguyên nhân có một nguyên nhân quan trọng là ý thức tham gia giao thông của nhiều người chưa cao gây ra. Nhiều vụ tai nạn xảy ra được cơ quan chức năng xác định nguyên nhân do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, dừng, đỗ, chuyển làn không đúng quy định… Nhiều giao điểm gắn đèn xanh, đèn đỏ nhưng không có tác dụng vì người tham gia giao thông vẫn không dừng khi có tín hiệu đèn đỏ. Có những nơi, những lúc một người dừng đèn đỏ thì lại bị nhiều người ngoái lại nhìn với vẻ không bình thường.
Để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông ngoài công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật và giáo dục thì việc tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm một cách hợp lý cũng có tác dụng rõ rệt. Nhiều tài xế cũng nắm rõ luật nhưng do mức xử phạt nhẹ hoặc chưa nghiêm nên khi không thấy bóng của cảnh sát giao thông thì vô tư chạy. Mấy ngày này, gần như ngồi đâu cũng nghe người dân bàn tán đến vấn đề tăng nặng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông theo Nghị định 46. Điều đó chứng tỏ mệnh lệnh hành chính đã có tác dụng đánh thức ý thức của nhiều người khi tham gia giao thông. Khi ý thức tham gia giao thông được nâng cao thì sẽ góp phần hạn chế được tai nạn giao thông.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai chiến lược phát triển phương tiện phù hợp với kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo, cấp phép lái xe, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn cứ tăng hàng năm gây tổn thất cho gia đình và xã hội. Chính vì thế, bên cạnh các giải pháp trên cần phải tạo ra ý thức văn hóa giao thông để mỗi người khi ra đường luôn đề cao ý thức của mình với cộng đồng. Song song đó, cũng cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người thực thi công vụ.
T.ĐỒNG