Khi vàng mã rải đầy đường…

Thứ năm, ngày 02/04/2015

Chiếc xe đầu tiên của đoàn xe tang có chở người ôm một bao lớn đựng giấy tiền vàng bạc (vàng mã). Như một thủ tục “mãi lộ” cho người chết, họ rải vàng mã đầy đường. Đến ngã tư, ngã năm, người có nhiệm vụ rải vàng mã nhiều hơn. Giải thích cho điều này, người ta bảo đó là do nơi các giao lộ hay xảy ra tai nạn, “âm binh” nhiều nên cần rải nhiều để “họ không giành giật nhau”. Con đường bỗng chốc đầy giấy vàng mã bay loạn xạ khi có cơn gió thổi qua. Nhiều người đi đường phải tìm cách né tránh để giấy tiền giả khỏi vướng vào mình.

Chứng kiến cảnh này, nhiều người đi đường không khỏi tiếc rẻ, xót xa và bình phẩm rằng quá lãng phí. Cứ mỗi khi có đoàn xe tang đi qua, chị lao công vất vả hơn để quét dọn, thu gom những giấy vàng mã vương vãi.

Một chị lao động phàn nàn: “Mỗi khi có xe tang đi qua mà rải nhiều vàng mã là chị “hãi” lắm. Bởi không quét dọn thì sợ bị phê bình, trừ lương, thưởng. Quét cho sạch lại quá mất thời gian vì giấy vương hết cả đoạn đường dài”.

Tục đốt vàng mã có từ Trung Hoa. Nó xuất phát từ quan niệm sai trái rằng người chết cũng cần của cải giống như người sống nên người ta thường “chia của” cho người chết.

Vua chúa còn có cả việc chôn theo cung tần mỹ nữ để có người “hầu hạ” ở thế giới bên kia. Nhưng, chôn hết của cải cũng… uổng phí nên người ta mới nghĩ ra cách làm giả bằng giấy từ người đến các vật dụng. Người giấy gọi là hình nhân thế mạng! Và vật dụng thì thiên hình vạn trạng trên dương gian có sao, người chết cũng được “chu cấp” y như vậy.

Tuy nhiên, cần phải hiểu một điều rằng, vàng mã là cũng dùng… tiền thật để mua. Như thế, rải vàng mã hay đốt vàng mã cũng là đốt tiền thật!

Đã rất nhiều lần, chuyện này được bàn luận và cho rằng đây là một hủ tục, một điều mê tín cần loại bỏ. Tuy nhiên, việc rải hàng mã vẫn còn xảy ra quá nhiều…

HƯƠNG CẦN